| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ thương hiệu mật ong Việt Nam tại Mỹ

Thứ Tư 04/03/2009 , 18:51 (GMT+7)

Lợi dụng uy tín của mật ong Việt Nam trên thị trường thế giới, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu mật ong chất lượng thấp từ các nước trong khu vực để tái xuất với nguồn gốc, xuất xứ của Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội nuôi ong Việt Nam mới đây, bà Barbara Sheehan đại diện Công ty CPNA International Ltd của Mỹ cho biết, lợi dụng uy tín của mật ong Việt Nam trên thị trường thế giới, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu mật ong chất lượng thấp từ các nước trong khu vực để tái xuất với nguồn gốc, xuất xứ của Việt Nam.

Các nhà nhập khẩu Mỹ luôn quan tâm đến chất lượng mật ong Việt Nam bởi đó là sản phẩm người tiêu dùng Mỹ tin tưởng lựa chọn hơn 10 năm qua. "Việt Nam cần lên tiếng bảo vệ thương hiệu, chất lượng mật ong Việt Nam tại thị trường Mỹ,” bà Barbara nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã xuất khẩu mật ong đến nhiều nước như Nhật, Mỹ và cộng đồng châu Âu. Hiện nay, Mỹ là thị trường nhập khẩu mật ong Việt Nam lớn nhất.

Trong 5 năm gần đây, lượng mật ong nhập khẩu vào thị trường Mỹ liên tục tăng. Nếu như năm 2005 Việt Nam mới xuất 7.840 tấn thì đến năm 2008 Việt Nam đã xuất trên 16.000 tấn.

Bà Barbara cho hay, hàng năm ngành ong tại Mỹ sản xuất một lượng khá lớn, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Mỹ vẫn phải nhập mật ong từ các nguồn tin cậy, trong đó có Việt Nam.

Mỹ đã áp dụng kiểm tra viết khoáng, mẫu đất, thảm thực vật của các cơ sở sản xuất mật ong nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Vì vậy, trong năm 2008, Hải quan Mỹ cũng đã sang Việt Nam kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất mật ong xuất khẩu vào thị trường nước này.

Từ ngày 28/2/2009, Hải quan Mỹ còn áp dụng Hệ thống Hồ sơ an ninh nhà nhập khẩu mặt hàng mật ong nhằm ngăn ngừa tình trạng chuyển tải mật ong chất lượng kém, trốn thuế chống phá giá (2.500 USD/tấn).

Theo bà Barbara, tiềm năng sản lượng mật ong Việt Nam lớn, có thể khai thác lâu dài. Nhưng nếu Việt Nam không có hệ thống quản lý quốc gia, chứng minh được lượng mật ong tăng do sản lượng sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.

Để khẳng định uy tín của mật ong Việt Nam tại thị trường Mỹ là của Việt Nam, theo bà Barbara, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các nhà quản lý cần cấp phép cho người nuôi - chế biến - xuất khẩu đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; lấy mẫu độc lập các lô hàng trước khi xuất khẩu; đưa ra những quy định, tránh tình trạng chuyển tải mật ong từ nước thứ ba; cần nêu rõ cơ sở dữ liệu: nguồn mật, loại phấn hoa..., thống nhất quy cách bao bì.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống quản lý, kế hoạch kiểm tra giám sát chất tồn dư, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm mật ong; thực hiện đồng bộ những biện pháp quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; trao đổi kinh nghiệm với các viện nghiên cứu, trường đại học để phổ biến kiến thức nuôi ong; nghiêm cấm người nuôi, cơ sở chế biến để chất tồn dư trong sản phẩm mật ong.

“Mật ong Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ. Công ty CPNA đã nhập khẩu mật ong Việt Nam từ 10 năm nay, chúng tôi mong muốn giữ vững mối quan hệ đó,” bà Barbara nhấn mạnh.

Đồng tình với các giải pháp mà đại diện CPNA đưa ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần khẳng định, ngay cuối tuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội nuôi ong Việt Nam sẽ thống nhất, bổ sung một số quy định, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng mật ong xuất khẩu.

“Ngoài bảo đảm về bao bì, nhãn mác, Việt Nam cũng sẽ sớm thống nhất, triển khai thực hiện các yêu cầu về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm mật ong Việt Nam xuất khẩu,” Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng cũng cho biết, không chỉ có mật ong mà với tất cả các sản phẩm nông nghiệp khác, Việt Nam đều nghiêm cấm các doanh nghiệp chế biến sử dụng hóa chất đã nêu trong danh mục cấm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản phẩm mật ong Việt Nam được sản xuất từ cây trồng tự nhiên. Năm qua, sản lượng mật ong đạt 17.000-18.000 tấn.

Hiện, nguồn phấn hoa ở các ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long khá dồi dào, tiềm năng trữ lượng mật ong lớn. Đó là chưa kể đến hàng trăm hecta rừng chàm tại Cà Mau, An Giang có thể khai thác mật.

Ông Đinh Quyết Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cũng cho rằng, với góc độ của người tiêu dùng, những giải pháp của công ty CPNA là hoàn toàn hợp lý, tốt cho doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.

Nhưng quan trọng hơn, những giải pháp cũng như kiến nghị này sẽ góp phần giữ uy tín, chất lượng cho mật ong Việt Nam không chỉ tại thị trường Mỹ mà còn với các thị trường đang và sẽ nhập khẩu sản phẩm này trong tương lai.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.