
Lãnh đạo VRG tặng quà lưu niệm cho ông Sonexay Siphandone, Thủ tướng nước CHDCND Lào.
Sáng ngày 22/2, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã có buổi hội kiến với ông Sonexay Siphandone, Thủ tướng nước CHDCND Lào nhân chuyến công tác của Thủ tướng tại TP.HCM.
Tại buổi làm việc, ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết, việc phát triển đầu tư trồng cao su của Tập đoàn tại Lào đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện Tập đoàn đã thành lập 6 công ty tại Lào trên địa bàn 5 tỉnh Champasak, Savanaket, Salavan, Bolykhamxay, Oudomxay.
Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của VRG tại các dự án là 254 triệu USD. Đến nay tổng vốn đã đầu tư là 164 triệu USD. Tổng diện tích cao su tại Lào của Tập đoàn hiện là 26.645 ha, trong đó diện tích cao su đã đưa vào khai thác 23.239 ha. VRG đã đầu tư 3 nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào, với tổng công suất chế biến 34.000 tấn/năm. Tổng sản lượng cao su khai thác từ khi đưa dự án vào kinh doanh đạt 344.150 tấn.
Tổng doanh thu đạt được của VRG từ khi bắt đầu đưa dự án vào khai thác là 555 triệu USD. Tổng lợi nhuận trước thuế từ khi bắt đầu khai thác là 75 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ khi đưa dự án vào kinh doanh thương mại đến nay là 547 triệu USD với tổng giá trị nộp ngân sách từ đầu dự án đến nay là 29 triệu USD, trong đó năm 2024 là 5,23 triệu USD.
Tổng số lao động của VRG tại các dự án là hơn 5.500 người, trong đó lao động người Lào gần 4.800 người, thu nhập bình quân là 350 USD/người/tháng. Đã có nhiều lao động là người Lào nắm giữ những vị trí quan trọng của các đơn vị thành viên.
Trong quá trình hoạt động của mình, các công ty thuộc Tập đoàn đã đóng góp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội trong vùng dự án như: làm đường, trường học, trạm xá, giúp tôn lợp, hệ thống đường dây điện, khoan giếng,… và chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng bị thiên tai với số tiền tổng cộng là 9 triệu USD.
Các hoạt động trên đã góp một phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, từng bước cải thiện đời sống nhân dân trong vùng dự án, và quan trọng nhất là đã thay đổi được tập quán sống du canh du cư, dần quen với định canh, định cư, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, quy mô công nghiệp của người dân Lào.
Cũng theo ông Trần Công Kha, VRG đã khảo sát một số địa phương khác tại Lào và xác định được các diện tích đất trồng cao su phù hợp. Cây cao su vừa là cây công nghiệp vừa là cây nông nghiệp, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, đảm bảo môi trường sinh thái và sắp tới sẽ thu được chứng chỉ carbon từ vườn cây cao su.
Vì vậy ông Trần Công Kha kiến nghị Thủ tướng Sonexay Siphandone ủng hộ chủ trương của VRG về việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng cao su tại Lào, khi việc đầu tư trồng cao su hiện gặp khó khăn do Chỉ thị số 13 từ năm 2012 của Thủ tướng.
Trả lời kiến nghị của VRG, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết việc đầu tư mở rộng diện tích trồng cao su tại Lào của VRG nên gắn liền với lợi ích của người dân Lào như mô hình liên kết để tận dụng quỹ đất của người dân.
Thủ tướng Sonexay Siphandone khẳng định, sẽ rất hoan nghênh nếu VRG đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su như lốp xe, nhằm khai thác giá trị chế biến sâu và giải quyết việc làm cho người dân. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị VRG xem xét đầu tư các lĩnh vực như khu công nghiệp, năng lượng... trong thời gian tới để tăng giá trị doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân Lào.
Kết luận buổi làm việc Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết về kiến nghị của VRG về mở rộng diện tích trồng cao su và Chỉ thị số 13, sẽ giao các bộ ngành nghiên cứu xem xét. Với những kiến nghị khác, đề nghị VRG gửi văn bản đến Văn phòng Thủ tướng để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành giải quyết.