| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm của EU

Chủ Nhật 23/02/2025 , 14:45 (GMT+7)

EU không quy định về khối lượng hàng hóa, nên đôi khi chỉ vài kilogram cũng bị cơ quan quản lý kiểm tra và cảnh báo nếu chúng ta vi phạm.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam. Ảnh: Bảo Thắng.

Chỉ đạo của Chính phủ

Ngày 20/2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1407/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thông tin báo chí phản ánh "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo".

Theo đó, nhiều loại thực phẩm liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Nguyên nhân được chỉ ra là do một số doanh nghiệp chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần từ thực phẩm mới, vi phạm quy trình phê duyệt của châu Âu. Nhiều trường hợp khai báo không đúng theo hồ sơ đăng ký về nguyên liệu, nhất là các thành phần có thể gây dị ứng cho người tiêu dùng, làm dấy lên mối lo ngại lớn về minh bạch và an toàn thực phẩm.

Nghiêm trọng hơn, một số sản phẩm chứa phụ gia không được phép sử dụng hoặc vượt mức quy định, khiến EU buộc phải ra lệnh thu hồi ngay lập tức. Hoặc nhiều lô hàng có thành phần từ động vật nhưng lại không thực hiện kiểm dịch thú y tại cửa khẩu, vi phạm trực tiếp các quy định an toàn sinh học của EU.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường thông tin, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu thường xuyên cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, tránh tình trạng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

EU liên tục thay đổi các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Ảnh: TL.

EU liên tục thay đổi các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Ảnh: TL.

Chia sẻ thêm về những quy định này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh 2 nội dung về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp". Đây là vấn đề đang khiến doanh nghiệp lúng túng.

Theo ông Nam, "thực phẩm mới" là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức đáng kể trong Liên minh châu Âu trước ngày 15/5/1997. Chi tiết được nêu tại Quy định (EU) 2015/2283. Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023.

Trong khi đó, "sản phẩm hỗn hợp" nếu chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật, thì nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU.

Riêng về nhóm sản phẩm hỗn hợp, đây là một quy định rất mới, vừa được EU ban hành tại Quy định (EC) 2022/2292 và có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. EU quy định, những sản phẩm có thành phần từ động vật đã qua chế biến và các nguyên liệu thực vật làm thay đổi đặc tính của sản phẩm nguồn gốc động vật được coi là sản phẩm tổng hợp.

"Tất cả các sản phẩm tổng hợp, trong đó bao gồm bánh cáy, muốn xuất khẩu vào EU phải được sản xuất từ các cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại quốc gia được EU cho phép xuất khẩu. Đó là 2 yếu tố cần lưu ý, bên cạnh nguồn nguyên liệu đạt chuẩn và được EU cấp phép trong các phụ lục của Quy định (EC) 2022/2292", ông Nam bày tỏ.

Cẩn trọng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vào tuần trước, EU cho biết, Kế hoạch Quy định sử dụng bền vững thuốc trừ sâu (SUR) không còn nằm trong chương trình nghị sự của ban điều hành EU, sau khi các bên liên quan không đạt được tiến triển nào trong quá trình thảo luận. Việc giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu đến năm 2030 vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các đảng cánh hữu và các cuộc biểu tình rộng rãi của nông dân.

Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, nhìn nhận, việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. 

Tuy nhiên, nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào EU có thể phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL), trong đó có những hóa chất không được phép sử dụng trong quá trình canh tác, chế biến. Nói tóm lại, là siết chặt các vấn đề liên quan tới vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sầu riêng Việt Nam vừa bị EU nâng tần suất kiểm tra lên 20%. Ảnh: NNVN.

Sầu riêng Việt Nam vừa bị EU nâng tần suất kiểm tra lên 20%. Ảnh: NNVN.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU thông tin thêm, rằng hệ thống pháp luật của EU về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật liên tục được sửa đổi, bổ sung và minh bạch hóa nhằm bảo vệ sức khỏe con người, động, thực vật và môi trường tại châu Âu.

Về quản lý an toàn thực phẩm chung, EU tiếp cận theo hướng tích hợp, nghĩa là kiểm soát mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất, phân phối và xuất khẩu. Với nông sản, thực phẩm hàng hóa của các nước thứ ba nếu muốn tiếp cận thị trường, EU sẽ áp dụng các biện pháp quản lý khác nhau.

Chẳng hạn với sản phẩm có nguồn gốc thực vật, EU yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp; Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và tài liệu để đảm bảo lô hàng đáp ứng yêu cầu của EU; Nhận dạng để đảm bảo rằng lô hàng đúng quy cách tương ứng với giấy chứng nhận; Kiểm tra để đảm bảo lô hàng không có sinh vật gây hại theo quy định và khi kiểm tra thực tế theo Quy định (EU) 2019/2072.

Phân tích chi tiết hơn, Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho rằng, EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm. “Với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào”, ông Nam nói.

Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp mắc sơ suất thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI, đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách, nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.

Để đảm bảo tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, ông Nam nhấn mạnh đến sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các bên. Nếu cơ quan quản lý nỗ lực nhưng doanh nghiệp, HTX không cố gắng thì cũng thất bại, và ngược lại.

Ngày 24/2, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU”. Với sự tham gia của các Cục: Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi; Thú y; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các cơ quan chuyên môn của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX sản xuất. Hội nghị sẽ thông tin, phổ biến, hướng dẫn việc cập nhật và thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU.

Quý vị có thể tham dự trực tuyến qua zoom: ID cuộc họp: 926 4638 3363, Mật mã: 240225.

Xem thêm
Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Agribank Tây Nam Bộ: Tập huấn thương hiệu và truyền thông trên nền tảng số

ĐBSCL Ngày 21/2, Agribank Tây Nam Bộ phối hợp với Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tập huấn thương hiệu và truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội.

'Dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025' gọi tên Sun Urban City Hà Nam

Dự án Sun Urban City được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao nhờ các yếu tố: vị trí đắc địa, mô hình hoàn hảo, quy hoạch bài bản, thiết kế thông minh, sáng tạo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất