
Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen. Ảnh: Archives.
Chia sẻ với Euronews, Ủy viên Nông nghiệp EU Christophe Hansen thừa nhận, Kế hoạch Quy định sử dụng bền vững thuốc trừ sâu (SUR) không còn nằm trong chương trình nghị sự của ban điều hành EU, sau khi các bên liên quan không đạt được tiến triển nào trong quá trình thảo luận.
Mục tiêu giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu sử dụng tại EU vào năm 2030 từng là nền tảng của Thỏa thuận xanh Châu Âu (EGD). Nhưng hiện tại, mục tiêu đó đã bị gác lại vô thời hạn.
"Công việc hiện không hiệu quả. Kế hoạch cắt giảm đã bị hủy bỏ", ông Hansen nói.
Thỏa thuận xanh châu Âu là một gói chính sách của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.
Các nội dung trong Thỏa thuận xanh chỉ gồm các mục tiêu cần đạt được và một số định hướng chiến lược về vấn đề khí hậu, nhưng không đặt ra các tiêu chuẩn hay điều kiện xanh cụ thể.
Thỏa thuận xanh châu Âu hướng tới 4 mục tiêu chung: Trở thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050; Bảo vệ sự sống con người, động vật và thực vật thông qua cắt giảm ô nhiễm; Hỗ trợ doanh nghiệp trở thành các chủ thể tiên phong trong sử dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm sạch; Bảo đảm quá trình chuyển tiếp công bằng và có tính bao trùm.
Tuy nhiên, việc không thể triển khai nội dung nền tảng - cắt giảm thuốc trừ sâu - khiến tham vọng xanh của châu Âu bị nghi ngờ. Euronews bình luận: "Những cân nhắc về kinh tế, chính trị có lẽ đang được ưu tiên hơn các tham vọng xanh trước đây. Có lẽ, EU sẽ ưu tiên việc biến nghề nông thành một nghề hấp dẫn hơn, đặc biệt là trong mắt thế hệ trẻ, hơn là thắt chặt các quy định về môi trường".

EU mong muốn đưa nghề nông trở nên hấp dẫn hơn trong mắt thế hệ trẻ. Ảnh: Getty.
Kế hoạch cắt giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu sử dụng tại EU được đề xuất lần đầu vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, công cuộc cải cách đã sớm vấp phải sự phản đối ngày càng tăng từ các đảng cánh hữu và các cuộc biểu tình rộng rãi của nông dân.
Vào thời điểm đó, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh, rằng quy định về thuốc trừ sâu vẫn là ưu tiên hàng đầu và có thể được đưa ra lấy ý kiến bằng những đề xuất "hài hòa hơn".
Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đến gần, tất cả dự thảo mới nào đã bị dời lịch lại. Ủy ban hiện tại nhậm chức vào tháng 12/2024. Và Ủy viên Nông nghiệp EU Hansen nhận định, bất kỳ sáng kiến nào trong tương lai cũng sẽ tập trung vào các khía cạnh thương mại, (ví dụ buộc thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU), thay vì bắt buộc giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng.
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, đánh giá, việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe.
Dù vậy, nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào EU có thể phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL), trong đó có những hóa chất không được phép sử dụng trong quá trình canh tác, chế biến.
Văn phòng SPS Việt Nam thông tin thêm, rằng hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU đều bắt buộc có chứng nhận kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, EU còn áp dụng biện pháp kiểm tra tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ việc tuân thủ của quốc gia xuất khẩu.
Đối với những nông sản được sản xuất từ những khu vực nguy cơ cao, theo đánh giá của EU, thị trường này sẽ đưa ra mức tần suất kiểm tra tương ứng, thậm chí nâng tần suất kiểm tra. Vừa qua, EU đã nâng tần suất kiểm tra với một loạt sản phẩm như: 50% với ớt từ Cộng hòa Dominica; 30% trên cam và ớt từ Ai Cập; 10% đậu và 20% ớt từ Kenya.