Bất động sản gần như ‘đóng băng’
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, từ giữa năm 2019, hoạt động kinh doanh của công ty ông đã rơi vào khó khăn khi hàng tồn kho tăng cao, thị trường ảm đạm, ít giao dịch, lãi suất ngân hàng lại tăng.
Chính vì vậy, khi chịu tác động thêm của dịch bệnh Covid - 19, các hoạt động xây dựng cũng như mở bán của công ty gần như tê liệt.
“Theo kế hoạch, đầu tháng 3 vừa rồi chúng tôi định mở bán 1 dự án ở Hà Đông (Hà Nội), nhưng vì dịch bệnh nên đành phải hoãn lại. Vì không có việc làm, nên 50% số nhân viên công ty cũng đã phải cho nghỉ không lương. Các chi phí không cần thiết như quảng cáo, marketting cũng cắt giảm 30 - 40%”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này tâm sự.
Cũng theo ông, dường như ở thời điểm này, khách mua nhà đề cao vấn đề sức khỏe hơn là tập trung ở nơi đông người. Nhiều doah nghiệp đều chung những khó khăn là doanh thu sụt giảm, cố gắng duy trì công ty cũng như động viên tinh thần nhân viên cùng vượt qua thời điểm khó khăn này.
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành Kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động.
Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có gần 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể.
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.
Cùng với đó, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn vẫn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư.
Về lượng căn hộ giao dịch trong 3 tháng đầu năm, thông kê từ công ty tư vấn JLL cho thấy, nguồn cung và giao dịch căn hộ tại hai thị trường bất động sản lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM đã tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Cụ thể, Hà Nội có 4.600 căn hộ mở bán trong ba tháng đầu năm, bằng 65% nguồn cung quý trước và là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015.
Thị trường TP. HCM trầm lắng hơn, với tổng số nguồn cung căn hộ mới chỉ khoảng 2.256 căn, mức thấp nhất từ năm 2014.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế khó chồng khó nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Hiệp hội nhận định tất cả doanh nghiệp đều đang chịu tác động rõ rệt do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều mã cổ phiếu bất động sản giảm sàn. thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị khách trả lại.
Doanh nghiệp bất động sản có tự cứu mình?
Đứng trước những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản đề xuất nhiều giải pháp “cứu” nguy cho thị trường, doanh nghiệp.
Thứ nhất, bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế giá trị gia tăng của tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.
Thứ hai, Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 03-06/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Thứ tư, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…); xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Tự cứu mình
Điển hình như Sunshine Group đẩy mạnh phát triển công nghệ, bán hàng qua App. Theo đó, khách hàng có thể tìm hiểu dự án, chốt giao dịch, chốt căn, chuyển tiền, tham gia bốc thăm trúng thưởng qua App mà không cần phải gặp mặt chủ đầu tư, nhân viên kinh doanh hay bên môi giới.
Thậm chí, các lễ mở bán truyền thống diễn ra trên thị trường cả chục năm nay cũng được tập đoàn này tổ chức qua ứng dụng.
Hải Phát Land quyết định những chiến lược dịch chuyển thị trường, đó là tập trung vào các thành phố lớn – nơi có nhu cầu ở thực.
Đất Xanh miền Bắc ứng phó Covid-19 bằng cách cơ cấu lại quy mô hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm số lượng chi nhánh.