Từ tầm nhìn chiến lược đến hành động cụ thể
Trong hành trình đổi mới và phát triển, một trong những ưu tiên nhất quán của Đảng và Nhà nước ta chính là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, quyền có một mái nhà ổn định không chỉ là nhu cầu vật chất tối thiểu mà còn là biểu tượng của sự gắn kết xã hội, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, gia đình và cộng đồng. Nhận thức rõ điều này, nhiều năm qua, công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) luôn được đặt trong tầm nhìn chiến lược, không ngừng được hoàn thiện trong thể chế, chính sách và phương thức triển khai.
Từ cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung năm 2011), Đảng đã khẳng định vai trò của việc phát triển đồng bộ các điều kiện sống, từ ăn, ở, học hành, đi lại đến chăm sóc y tế như một trong những mục tiêu then chốt. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII đã nhìn nhận sâu sắc vai trò của nhà ở như một hạ tầng thiết yếu, gắn với trách nhiệm chăm lo con người, đề cao yêu cầu mở rộng các loại hình nhà ở, đặc biệt là NƠXH và nhà ở công nhân. Đây không chỉ là những giải pháp trước mắt mà còn mang ý nghĩa lâu dài về phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội.

Dự án nhà ở xã hội IEC tại xã Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: IEC.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không nằm ngoài định hướng đó. Lần đầu tiên, khái niệm về nhà ở được tiếp cận một cách toàn diện hơn, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bao trùm nhiều loại hình từ thương mại, công vụ, tái định cư cho đến nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình. Mỗi phân khúc đều có vai trò riêng, nhưng trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, lực lượng lao động trẻ tập trung vào các khu công nghiệp, thì NƠXH trở thành trụ cột của chiến lược an cư, lạc nghiệp.
Đặc biệt, những quyết sách gần đây tiếp tục củng cố nền tảng pháp lý và điều kiện triển khai mạnh mẽ hơn. Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045, yêu cầu dành quỹ đất cho phát triển NƠXH đã được đặt ra như một tiêu chuẩn bắt buộc trong hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Điều đó cho thấy, vai trò của nhà ở đã vượt khỏi phạm vi an sinh thông thường để trở thành yếu tố cấu thành hạ tầng đô thị, có vai trò kích thích phát triển, điều chỉnh phân bố dân cư, lao động và nguồn lực.
Hạt nhân lan tỏa trong hành trình xây dựng nhà ở xã hội
Dù không tránh khỏi những khó khăn chung của cả nước trong triển khai các dự án NƠXH, Hà Nội vẫn được đánh giá là một trong những địa phương tiên phong, có nhiều nỗ lực nổi bật và quyết tâm hành động rõ ràng. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến cuối năm 2024, Hà Nội đã hoàn thành 13 dự án NƠXH với tổng số 11.334 căn hộ, chiếm gần 1/6 tổng số căn hộ cả nước hoàn thành trong giai đoạn này.
Ngay trong những tháng cuối năm 2024, một số dự án NƠXH đã được khởi công, mở ra triển vọng mới cho giai đoạn tiếp theo. Dự án nhà ở xã hội N01 tại Hạ Đình (Thanh Trì), do Tổng công ty UDIC làm chủ đầu tư, với 255 căn để bán và 110 căn cho thuê, giá tạm tính khoảng 25 triệu đồng/m2, tương đương 1,75 tỷ đồng cho một căn diện tích 70m2.

Nhà ở xã hội N01 Hạ Đình do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Udic đang triển khai thi công. Ảnh: Internet.
Cùng thời điểm, khu nhà xã hội Uy Nỗ (huyện Đông Anh) cũng được khởi công, cung cấp gần 470 căn hộ cho người thu nhập thấp và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đây là dấu mốc đáng chú ý bởi dự án này do một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng công ty 319, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2026.
Không dừng lại ở đó, Hà Nội đang từng bước nâng tầm quy hoạch và tổ chức thực hiện các khu NƠXH tập trung, có quy mô lớn, tích hợp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội hiện đại. Nổi bật là hai khu Tiên Dương 1 và 2 tại huyện Đông Anh, với diện tích lên tới 84ha, dự kiến cung cấp khoảng 6.500 căn hộ.
Thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai ba khu nhà ở xã hội tập trung khác tại Cổ Bi (Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì) và một địa điểm khác ở Đông Anh với tổng diện tích khoảng 160ha. Đây là bước đi thể hiện tư duy mới: phát triển NƠXH không chỉ theo hướng “chữa cháy” mà mang tính chiến lược dài hạn, đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng sống và sự phát triển bền vững của đô thị.

Dự án Khu nhà ở tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.
Trong năm 2025, thành phố dự kiến sẽ khởi công thêm 5 dự án quy mô 10.220 căn hộ, đồng thời chấp thuận chủ đầu tư cho khoảng 6 dự án mới. Giai đoạn 2026 - 2030, Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị 5 dự án cung cấp tới 57.170 căn hộ, vượt chỉ tiêu được giao là 37.500 căn.
“Cú huých” thể chế
Một trong những nghịch lý lớn nhất hiện nay của câu chuyện nhà ở xã hội là trong khi nhu cầu luôn ở mức rất cao, thì tiến độ triển khai vẫn diễn ra khá chậm chạp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới chỉ hoàn thành 66.755 căn hộ NƠXH, tương đương khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ đến năm 2025. Một phần nguyên nhân đến từ năng lực thực thi ở địa phương, nhưng phần lớn nằm ở những rào cản thể chế, thủ tục đầu tư, quy trình lựa chọn chủ đầu tư và đặc biệt là thiếu vắng nguồn tài chính ổn định, dài hạn.
Nhận thức rõ thực tế này, Bộ Xây dựng đã có bước đi chủ động khi vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Nghị quyết này dự kiến thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những nội dung đột phá nhất của dự thảo Nghị quyết là việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia - một quỹ tài chính ngoài ngân sách do Chính phủ thành lập, với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, khoản đóng tương đương quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, và các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ này sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội, bù lãi suất tín dụng ưu đãi và đầu tư trực tiếp vào các dự án NƠXH.
Bên cạnh đó, để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm giao chủ đầu tư không qua đấu thầu trong một số trường hợp đã có quy hoạch, đất sạch và chỉ có một nhà đầu tư đủ điều kiện. Theo ước tính, việc bỏ qua khâu đấu thầu có thể rút ngắn từ 200 đến 241 ngày thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị rút gọn các thủ tục quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, gắn kết thẩm định vào quy trình cấp phép xây dựng để tránh chồng chéo, giảm thiểu thời gian và chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê lại NƠXH để bố trí chỗ ở cho công nhân cũng đang được nghiên cứu.
Nếu được thông qua, đây sẽ là một giải pháp thực tiễn, vừa hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động, vừa tạo điều kiện an cư, lạc nghiệp cho người lao động, đúng như tinh thần “phát triển công nghiệp phải gắn với hạ tầng xã hội.