Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết vừa có văn bản số 42/2025/CV – HoREA gửi Bộ Tư pháp và Bộ Xây dựng về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, văn bản kiến nghị của HoREA cho rằng, cần xem xét cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với loại đất được thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án theo quy định của Luật Đất đai
Còn chủ đầu tư khi thực hiện nhà ở xã hội phải đề xuất dự án phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Thành phần hồ sơ đề xuất dự án nhà ở xã hội phải theo quy định của pháp luật về đầu tư và tài liệu chứng minh đủ điều kiện thực hiện về nhà ở, kinh doanh bất động sản được cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh quyết định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA. Ảnh: T.L.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng các địa phương công khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên cổng Thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Sở Xây dựng. Đồng thời gửi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng hoặc hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản để các nhà đầu tư đăng ký tham gia làm chủ đầu tư.
Thời gian đăng ký là 15 ngày kể từ ngày công khai dự án, trường hợp dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì UBND cấp tỉnh giao nhà đầu tư đã đăng ký làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Trường hợp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công khai mà có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư thì việc giao nhà đầu tư làm chủ đầu tư được thực hiện theo tiêu chí thứ tự ưu tiên.
Có nghĩa chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội phải có kinh nghiệm và năng lực tài chính.
Khi tiến hành thực hiện, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xây dựng phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội của dự án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 87 Luật Nhà ở và phải được kiểm toán hoặc quyết toán về chi phí của dự án theo quy định pháp luật và được cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh nơi có dự án xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở của dự án.
Trường hợp chủ đầu tư huy động vốn bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai thì được sử dụng phương pháp xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội của dự án do chủ đầu tư lập để xác định giá bán, giá thuê mua (tạm tính).
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác định đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 76 và khoản 1 Điều 78 Luật Nhà ở, phải lập danh sách người mua, thuê nhà ở xã hội báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định pháp luật về nhà ở để quản lý và hậu kiểm.