Theo kết luận số 82/KL-TTCP ngày 18/3/2025 của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng của UBND TPHCM liên quan đến "điểm nghẽn" phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, "điểm nghẽn" các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn nhiều và phức tạp. Chẳng hạn, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thẩm định phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng, thông báo dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh…
Chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt các chi phí cho chủ đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được.

Nhà ở xã hội là nhu cầu rất lớn đối với người dân ở các khu đô thị lớn. Ảnh: T.L.
Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha trở lên theo Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 hay từ 2 ha trở lên theo Nghị định số 49 ngày 1/4/2021 của Chính phủ, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nên chưa triển khai đầu tư xây dựng.
Nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý đưa vào xây dựng nhà ở xã hội theo quy định còn chậm triển khai. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội còn chưa hấp dẫn.
Trong khi đó, các dự án phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân có vốn đầu tư lớn, ngoài chi phí xây dựng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố khá cao, nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Mặt khác, việc đề xuất quy hoạch các khu công nghiệp tập trung chưa quan tâm nhiều đến việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở phục vụ cho công nhân, chưa ưu tiên sử dụng quỹ đất sạch do Nhà nước trực tiếp quản lý để xã hội hóa kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Chính các "điểm nghẽn" này đã khiến việc đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các quỹ đất dành cho việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn hẹp. Cơ chế để đầu tư nhà ở xã hội chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.