Dự kiến thu 140.000 tỷ từ khai thác quỹ đất
Theo Đề án được UBND TP Hà Nội xây dựng, quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn 8 quận huyện với diện tích khoảng 18.450 ha, trong đó: huyện Sóc Sơn: 724 ha; Mê Linh: 2.441 ha; Đan Phượng: 2.094 ha; Hoài Đức: 3.345 ha; Hà Đông: 775 ha; Thanh Oai: 2.562 ha; Thanh Trì: 533 ha; Thường Tín: 5.976 ha. Quỹ đất này gồm 40 khu đất, trong đó diện tích có thể khai thác là khoảng 8.725,5 ha.

Một đoạn đường ôm theo chân đê trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/TPO.
Theo đó, hình thức khai thác được đề cập sẽ áp dụng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đề xuất dự án đầu tư.
Cũng theo Đề án, trên cơ sở kết quả rà soát quỹ đất, dự kiến nguồn thu giai đoạn 2024-2030 khoảng 140.000 tỷ đồng (đã khấu trừ kinh phí GPMB). Trong giai đoạn 2024-2025 chưa phát sinh nguồn thu nhưng sang giai đoạn 2026-2030, ước thu 140.000 tỷ đồng từ việc khai thác quỹ đất nói trên.
TP Hà Nội nêu quan điểm, việc khai thác quỹ đất phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải được triển khai hiệu quả hợp lý, tập trung, không phân tán, dàn trải nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư; đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về đất đai, pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật có liên quan.
Nguồn thu từ Đề án thuộc cấp ngân sách TP hưởng 100% (đơn vị thực hiện là Tổ chức phát triển quỹ đất của TP); phương án quản lý, sử dụng nguồn thu được thực hiện theo quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của TP Hà Nội tại thời điểm triển khai thực hiện các Dự án.
Nguồn thu được sử dụng để tạo nguồn lực mới cho các mục tiêu phát triển chung của TP Hà Nội giai đoạn 2026-2030 và tới 2050. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu cần bám sát Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng đầu tư giai đoạn 2026-2030. tầm nhìn 2050 của TP.
Về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đề xuất các cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP và các nội dung kiến nghị với Trung ương, Chính phủ.
Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô; Quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4…
Quy hoạch 7 tuyến đường vành đai quanh Thành phố
Kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2025 và dự kiến giai đoạn 2026-2030, TP cho biết đang quy hoạch và triển khai 7 tuyến đường vành đai, trong đó 5 tuyến vành đai chính là 1, 2, 3, 4, 5; và 2 tuyến vành đai hỗ trợ là đường 2,5 và đường 3,5.

Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài khoảng 11,2km, chiếm 19% đoạn tuyến của toàn TP Hà Nội. Ảnh: Hà Nội Mới.
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai như: đường Vành đai 2 (dài hơn 43 km, chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy) tạo thành vành đai khép kín. Đến nay, Vành đai 2 đã đầu tư hoàn thiện, trong đó có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Tuyến Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, giảm tải nằm giữa Vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - Vũ Trọng Phụng - Đầm Hồng - Khương Đình - Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - Đền Lừ - Lĩnh Nam. Dự án có 13 đoạn, hiện Hà Nội đã hoàn thành 4 đoạn tuyến, còn lại 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Cầu Mễ Sở nối từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Ảnh: Báo Đầu tư.
Về giao thông tĩnh, giai đoạn đến năm 2025 sẽ hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh như Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; các bãi đỗ xe ngầm bên trong Vành đai 3, một số bãi xe ngầm, nổi và cao tầng theo quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2030 đầu tư đưa vào khai thác các bến xe liên tỉnh khác như bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam, bến xe phía Tây; cơ bản hoàn thành các bãi đỗ xe ngầm của Hà Nội theo quy hoạch.
Xây dựng hệ thống mạng lưới giao thông thông minh, hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối nội vùng và liên vùng phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, tạo động lực phát triển cho các địa phương; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, có sức chở lớn với bến, bãi đỗ xe hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm; phát triển vận tải hành khách công cộng đa dạng, hiện đại, tiện lợi, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường đạt tỷ lệ 30-35% vào năm 2025 và 45-50% vào năm 2030.
Nghị quyết số 37 ngày 10/12/2022 của HĐND TP xác định: Tổng nguồn vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 90.472 tỷ đồng/198 dự án, trong đó 111 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 với nhu cầu 16.398 tỷ đồng; 83 dự án khởi công mới, nhu cầu vốn 72.557 tỷ đồng; 4 dự án đã dự nguồn trong kế hoạch trung hạn (chưa phê duyệt chủ trương đầu tư), nhu cầu vốn 1.517 tỷ đồng. Lĩnh vực đường sắt đô thị, tổng nhu cầu nguồn vốn trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 là 48.812 tỷ đồng/2 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ODA là 17.631 tỷ đồng; vốn ODA vay lại là 24.268 tỷ đồng; vốn trong nước là 6.913 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Giao thông Vận tải báo cáo UBND TP Hà Nội dự kiến cập nhật, bổ sung 82 dự án công trình giao thông với tổng mức đầu tư khoảng 159.072 tỷ đồng.