| Hotline: 0983.970.780

Vụ quản lý đất đai Bộ NN và MT:

'Sóng đất' sớm 'gãy' vì đua theo tin đồn

Thứ Ba 01/04/2025 , 13:16 (GMT+7)

Việc nhà đầu tư lợi dụng chính sách đất đai vẫn còn đang trong thời kỳ 'thai nghén', để thổi giá đất. Cơn sốt này chỉ là hiện tượng tự phát, nhất thời.

Việc nhà đầu tư lợi dụng chính sách đất đai vẫn còn đang trong thời kỳ "thai nghén", để thổi giá đất khiến cơn sốt này chỉ là hiện tượng tự phát, nhất thời. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp rất thông minh để không dính bẫy thổi giá như vậy.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Lê Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thông tin sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh, thành phố đang gây xôn xao trong dư luận, đặc biệt giới đầu tư bất động sản.

Trước đây, người dân thường có quan niệm trụ sở UBND xã, UBND tỉnh đặt ở đâu thì trung tâm ở đó và hạ tầng sẽ được đầu tư tốt hơn. Vì vậy, giá đất các khu vực quanh trung tâm luôn cao hơn các nơi khác. Hiện nay, theo chủ trương của Nhà nước, 3-5 xã sáp nhập lại, trụ sở chính xã đặt ở vị trí nào thì trung tâm sẽ ở đó. Các xã không được lấy làm trung tâm thì giá đất sẽ giảm mạnh.

Tương tự, việc sáp nhập địa giới hành chính các tỉnh thành cũng vậy. Theo phương án dự kiến tỉnh Quảng Nam sáp nhập về TP. Đà Nẵng hay tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập về Phú Thọ… giá đất tăng hay giảm phụ thuộc quy mô tỉnh lớn hay nhỏ. Các dự án bất động sản đang thực hiện các thủ tục pháp lý có bị ảnh hưởng bởi sáp nhập địa giới hay không? Theo ông Bình, sau sáp nhập giá đất tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, chính sách thu hút đầu tư của địa phương đó… Nếu không có quy hoạch thì doanh nghiệp bất động sản sẽ không vào, giá đất tăng cao thì không hấp dẫn được doanh nghiệp.

“Các nhà đầu tư BĐS sẽ có tâm lý phấn chấn hơn khi có nhiều thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị mới tại các khu vực sáp nhập địa giới. Nhưng, tôi nhấn mạnh đó chỉ là tác động tâm lý, tâm lý đám đông sẽ có tác động đến thị trường bất động sản nhưng không phải là bền vững. Việc giới đầu tư lợi dụng thông tin sáp nhập để thổi giá đất trong thời gian qua chỉ là hành động nhất thời. Các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp đều phân tích và xác định được sự ảnh hưởng của các thông tin này. Các môi giới nhà đất không dễ để có thể dụ được họ dính bẫy”- ông Bình nói.

Các chợ đất tự phát tại nhiều tỉnh, thành đã vắng bóng nhà đầu tư. Ảnh:Thùy Linh.

Các chợ đất tự phát tại nhiều tỉnh, thành đã vắng bóng nhà đầu tư. Ảnh:Thùy Linh.

Các địa phương vào cuộc “cắt” cơn sốt đất

Khoảng 1 tháng nay, sau khi có thông tin sáp nhập địa giới hành chính, giá đất nhiều địa phương đã có dấu hiệu nóng cục bộ.

Theo ghi nhận của PV, giá bán đất nền tại nhiều nơi như TP Hưng Yên, huyện Văn Giang (Hưng Yên), TP Việt Trì, TP Ninh Bình, TP Bắc Giang ... đã rục rịch tăng 20-30%.

Trước tình trạng trên, các địa phương liên tiếp đưa ra cảnh báo nguy cơ "sốt đất ảo", nhất là tại các khu vực được dự đoán là trung tâm hành chính mới.

Công an tỉnh Thái Bình vừa đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Nếu phát hiện hành vi gian lận, thao túng thị trường, nhà đầu tư cần sớm trình báo cho cơ quan công an gần nhất. Theo đơn vị này, quyết định xuống tiền cần dựa trên nhiều yếu tố như pháp lý, quy hoạch, vị trí lô đất để tính toán hiệu quả đầu tư.

Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cảnh báo về nguy cơ sốt ảo trên địa bàn. Đơn vị này cho biết đến nay, lượng giao dịch tại các sàn vẫn hạn chế. Giá đất tăng cao có thể chỉ là chiêu trò thổi giá của "cò đất". Đại diện Sở khuyến cáo người dân có nhu cầu tìm mua đất cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh rơi vào bẫy làm giá của "cò".

Hai tỉnh Ninh Bình và Tuyên Quang cũng đưa ra cảnh báo tình trạng giá đất tăng đột biến theo tin đồn trên địa bàn. Tỉnh Ninh Bình giao Công an tỉnh kiểm tra các hoạt động giao dịch bất động sản, đặc biệt tại TP Hoa Lư để xác minh tình trạng tăng giá bất thường.

Thị trường bất động sản tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Thùy Linh.

Thị trường bất động sản tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Thùy Linh.

Tại Bắc Giang, Sở Xây dựng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện, tung tin đồn thổi, không chính xác, tác động tiêu cực đến thị trường.

Ngay sau khi các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương vào cuộc kiểm tra và ra văn bản cảnh cáo, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh như Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Phòng… đã đồng loạt “gãy sóng”. Nhiều chợ đất tự phát đã vắng bóng các nhà đầu tư. Điều này cho thấy, việc thổi giá đất theo tin đồn sáp nhập địa giới hành chính hay đầu tư theo thông tin quy hoạch thường không bền vững. Người được hưởng lợi chính là các “đội lái” đất đai chuyên nghiệp tại địa phương, người chịu rủi ro là nhà đầu tư không chuyên nghiệp, kém hiểu biết về thông tin thị trường. Vì vậy, trước những cơn sốt đất ảo, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo.

Xem thêm
Đầu tư dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang hơn 17.330 tỷ đồng

Dự án Khu đô thị hỗn hợp TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa có quy mô sử dụng đất hơn 226 ha thuộc xã Vĩnh Thái và phường Phước Long, TP. Nha Trang.

Luật thông thoáng, mở 'cánh cửa' với nhà ở xã hội

'Nhiều doanh nghiệp bất động sản băn khoăn nên đầu tư vào phân khúc nào? Tôi khuyên nên đầu tư vào nhà ở xã hội vì được hưởng nhiều ưu đãi', ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Động thổ dự án Khu công nghiệp Phú Xuân

Đắk Lắk Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự lễ động thổ dự án Khu công nghiệp Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Mở rộng cánh cửa an sinh từ chính sách nhà ở xã hội

Nhà ở xã hội khan hiếm, người thu nhập thấp khó tiếp cận; chính sách mới kỳ vọng sẽ tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng cơ hội an cư.

Bình luận mới nhất