Lượng tìm kiếm tăng
Ngay sau khi có những tin tức về việc xem xét sáp nhập một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương vào TP.HCM, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu vào cuộc. Các sản phẩm quan tâm tìm kiếm nhiều là đất nền dự án và đất nền có sổ hồng trong dân, với kỳ vọng giá đất sẽ tăng mạnh trong tương lai. Nhiều dự án đất nền bị “đứng hình” một thời gian dài đã có khách quan tâm trở lại. Hay nhiều lô đất nền được chủ rao bán khá lâu nay đã có khách hỏi và đi xem.

Thị trường nhà đất ở huyện Cần Giờ được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm kiếm. Ảnh: Thục Vy
Mặc dù vậy, tỷ lệ giao dịch thành công vẫn chưa nhiều và biên độ tăng giá vẫn chưa cao. Ngoại trừ nhà đất ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương có tăng từ 10% - 20%, thì đất nền tại các huyện ven TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh chỉ tăng nhẹ, thậm chí nhiều nơi vẫn còn đứng yên. Riêng tại huyện Cần Giờ giá đất tăng cao trước thông tin một tập đoàn bất động sản lớn đề xuất làm đường sắt đi Cần Giờ.
Tại huyện Cần Giờ (TP.HCM), giá đất thổ cư khu vực xã Cần Thạnh, Bình Khánh hiện tăng 20% - 30% so với đầu năm và gần gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, giá đất thổ cư ở xã Cần Thạnh dao động từ 30 triệu đồng/m2, đất nền tại xã Bình Khánh trung bình từ 13 triệu đồng/m2… Còn ở các xã Hòa Phú, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Bình Mỹ… (huyện Củ Chi, TP.HCM) giá chỉ tăng nhẹ từ 3% - 5% ở sản phẩm đất thổ cư có sổ hồng và đất trồng cây lâu năm có thổ cư hoặc trong khu vực lên được đất thổ cư.
Tương tự, đất nền các huyện Phú Mỹ, Châu Đức, Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu)... được rao bán với mức tăng 15-20% so với đầu năm. Còn thị trường Bình Dương dù không “tăng nóng”, nhưng trước thông tin sẽ sáp nhập về TP.HCM làm giá nhà đất khu vực Dĩ An, Thuận An, nơi tiếp giáp gần nhất với thành phố, tăng 5-10% chỉ trong 2 tuần qua.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, kể từ khi thông tin sáp nhập lan truyền, mức độ quan tâm tìm kiếm và giá bất động sản tăng đáng kể tại một số địa phương thuộc tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM.
Cụ thể, trong tháng 3, nhu cầu tìm mua nhà đất tại huyện Cần Giờ tăng 55%. Trong khi đó, tại các huyện Phú Mỹ, Châu Đức, Long Điền, Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhu cầu mua cũng tăng trung bình 20-30%. Tại TP Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) nhu cầu mua tăng 23-26%...
Giao dịch chưa nhiều
Theo quan sát của phóng viên, thị trường nhà đất tại TP.HCM chỉ mới bắt đầu “trở mình” chứ chưa nhộn nhịp. Tại huyện Củ Chi, so với thời điểm “nóng sốt” từ đầu năm 2021 đến nửa năm 2022 do thông tin huyện Củ Chi được đề xuất lên thành phố, thì nay thị trường chỉ mới khởi động lại sau thời gian dài "đóng băng". Nhiều nhà đầu tư đã rục rịch đi xem đất, tuy nhiên họ khá kén chọn và không vội vã "xuống tiền".
Còn tại tỉnh Bình Dương, nhiều dự án cũng đã rục rịch khởi động lại và đã có giao dịch. Điển hình như, dự án Phương Trường An 6 tại huyện Phú Giáo. Dự án có hạ tầng gần như hoàn chỉnh nhưng trong một thời gian dài không bán được hàng, dù nhân viên môi giới và chủ đầu tư tìm mọi cách để quảng bá, kích cầu. Mấy tuần trở lại đây, nhiều khách hàng đã đi xem dự án và chốt cọc. Tuy nhiên, tại thời điểm này giao dịch vẫn chưa nhiều.
Anh Trung Nguyên, ngụ quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, anh có gửi lô đất thổ cư ở xã Hòa Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM) nhờ môi giới rao bán từ đầu năm 2024 với giá “cắt lỗ” là 2,1 tỷ đồng/100m2 nhưng cả năm qua không có khách nào hỏi. Gần đây thấy thị trường tốt hơn, anh đã tăng giá bán lên 2,2 tỷ và đã có vài khách đi xem. Tuy nhiên, khách trả giá thấp hơn giá anh mong muốn, vì thế anh quyết chờ thêm.
Theo anh Nguyễn Hữu Long – nhân viên môi giới bất động sản ở huyện Củ Chi, trong các năm 2023, 2024 thị trường nhà đất ở huyện Củ Chi gần như “đóng băng”. Mặc dù khách gửi nhờ bán rất nhiều, nhưng trong 2 năm qua anh không chốt được hợp đồng nào. Gần một tháng trở lại đây, nhiều khách “ruột” đã quay trở lại tìm hiểu thị trường và nhờ anh tìm giúp những lô đất đẹp. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư vãng lai cũng hỏi thăm về những lô đất anh rao bán trên các trang web và trên mạng xã hội.
“Hiện tại, thị trường nhà đất chỉ mới có dấu hiệu ấm lên thôi, chứ không “nóng sốt” như tin đồn. Dù đã có khách tìm hiểu và đi xem đất nhưng thực sự giao dịch chỉ mới lai rai. Với các tín hiệu này, tôi tin rằng cho đến cuối năm thị trường sẽ tốt lên. Tuy vậy, khách hàng giờ đã tỉnh táo và chọn lựa sản phẩm kỹ hơn, chứ không mua vội và chạy theo đám đông như trước”, anh Long cho hay.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, động thái "nóng sốt" của thị trường nhà đất gần đây ít nhiều có sự tiếp tay của các nhóm đầu cơ, đầu nậu và cò đất. Thực tế, chỉ một số ít giao dịch thật được thực hiện, còn lại đa phần vẫn là cò đất và nhà đầu tư sang tay qua lại tạo hiệu ứng "sốt đất". Cơn sốt nóng hiện nay chỉ là sân chơi của giới đầu cơ, đầu nậu nhà đất chứ không phải là nhu cầu thật.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương. Do đó, người mua và nhà đầu tư cần lưu ý các rủi ro như quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng.