| Hotline: 0983.970.780

Bát nháo thị trường gạo nội địa

Thứ Sáu 23/08/2013 , 11:34 (GMT+7)

Trong khi nhiều loại thực phẩm thiết yếu như rau quả, thịt…, đã có được sự kiểm soát nhất định về mặt chất lượng, ATTP thì đáng ngạc nhiên là gạo, thứ lương thực mà hầu như người dân Việt Nam nào cũng sử dụng hàng ngày, lại gần như chưa có một sự kiểm soát nào.

Trong khi nhiều loại thực phẩm thiết yếu như rau quả, thịt…, đã có được sự kiểm soát nhất định về mặt chất lượng, ATTP thì đáng ngạc nhiên là gạo, thứ lương thực mà hầu như người dân Việt Nam nào cũng sử dụng hàng ngày, lại gần như chưa có một sự kiểm soát nào.

Cám cảnh gạo trộn, gạo… giả

Vào bất cứ một cửa hàng, đại lý gạo nào ở TPHCM, người tiêu dùng cũng sẽ hoa mắt bởi hàng chục loại gạo khác nhau, với những cái tên khá hấp dẫn như gạo Đài Loan, gạo Thái, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, gạo Tài Nguyên, gạo bụi sữa, gạo trắng tép thơm, Nàng Hương, Nàng Hương Chợ Đào…

Nhưng theo những người kinh doanh lâu năm trong ngành gạo, thực tế trên thị trường bán lẻ gạo hiện nay, gần như không có gạo thuần chủng, mà đều đã bị người ta cố tình trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp vào gạo phẩm cấp cao hơn, trộn gạo thường vào gạo thơm… để trục lợi.

Ông Phạm Vỹ Bền, người đã từng có mấy chục năm kinh doanh gạo ở ĐBSCL, khẳng định, hầu hết gạo bán cân ký ở các đại lý, cửa hàng bán lẻ tại TPHCM và các tỉnh Nam bộ, đều là gạo trộn. Ông Bền dẫn chứng: “Gạo Đài Loan (gạo xay ra từ một giống lúa trồng ở Nam bộ nhưng có nguồn gốc từ Đài Loan), nếu là gạo thuần, tức là không có trộn thêm gạo khác vào, thì giá đúng phải là 18.000 đ/kg.

Vậy mà nhiều cửa hàng, đại lý bán gạo Đài Loan chỉ với giá 13.000 đ/kg. Gạo Jasmine thuần, với giá thị trường hiện nay, phải 16.000 đ/kg, nhưng nhiều cửa hàng chỉ bán 12.000-13.000 đ/kg. Gạo trắng tép thơm thuần, giá bán ít nhất phải 22.000 đ/kg, nhưng nhiều cửa hàng chỉ bán với giá mười mấy ngàn đồng 1 kg… Chỉ có trộn thêm gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ vào, người ta mới bán được giá đó mà vẫn có lời”.


Gạo bán lẻ không bị kiểm soát về chất lượng, ATTP

Ông Phạm Hậu, từng làm chủ một đại lý gạo trên đường Phạm Thế Hiển (Q8), nay đã chuyển sang nghề khác, cũng chia sẻ: “Gạo bán cân ký trăm phần trăm là gạo trộn. Tỷ lệ trộn gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ vào gạo cấp cao hơn, tối thiểu là 10%. Người ta thường dùng các loại gạo cấp thấp có hình thức, đặc tính gần giống với loại gạo cấp cao muốn trộn.

Chẳng hạn, nếu là gạo hương lài có mùi thơm nhẹ, hạt dài, cơm dẻo, mềm…, sẽ được trộn gạo xay từ các giống lúa OM 4900, OM 4218… cũng có đặc tính tương tự nhưng kém hơn nhiều.

Có những thời điểm giá gạo hương lài thuần tới trên 20 ngàn đ/kg, trong khi giá các loại gạo OM 4900, OM 4218 chỉ mười mấy ngàn đ/kg. Đem trộn với nhau theo tỷ lệ 50-50, vẫn lấy tên gạo hương lài nhưng bán rẻ hơn gạo thuần 1 chút, là đại lý gạo đã lời lớn rồi”.

Điều đáng nói là gạo trộn rõ ràng là một sự gian lận thương mại, nhưng lại đang được bán rất phổ biến, công khai khắp các chợ, các đường phố, hẻm… ở TPHCM, nhưng chưa bao giờ bị cơ quan nào kiểm tra, xử lý. Không những thế, gạo giả cũng đang tung hoành một cách ngang nhiên.

 Gạo giả ở đây không phải là gạo được làm từ nhựa hay chất liệu nào đó, mà là gạo này đội lốt gạo kia để trục lợi từ túi người tiêu dùng. Phổ biến nhất của tình trạng này là gạo Nàng Thơm Chợ Đào.

Ông Trần Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm HTXNN Mỹ Lệ (xã Mỹ Lệ, Cần Đước, Long An), cho hay, diện tích trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào ở xã này chỉ khoảng 450 ha, mỗi năm chỉ trồng 1 vụ, thành ra sản lượng gạo Nàng Thơm Chợ Đào chủ yếu chỉ để tiêu dùng trong nội bộ xã Mỹ Lệ. Lượng gạo Nàng Thơm Chợ Đào bán ra ngoài là rất nhỏ.

Vậy mà ở Long An, TPHCM hay những tỉnh lân cận, đâu đâu cũng thấy các đại lý bán loại gạo này. Chắc chắn đó là gạo Nàng Thơm Chợ Đào giả. Ông Phạm Vỹ Bền cũng cho rằng, vào thời điểm này, gạo Nàng Thơm Chợ Đào chính hiệu nếu bán giá tới 60 ngàn đ/kg cũng chẳng có mà mua. Vậy mà hàng loạt đại lý ở Long An, TPHCM, đang bán gạo Nàng Thơm Chợ Đào với giá chỉ trên 20 ngàn đ/kg, mua số lượng bao nhiêu cũng có.

Rõ ràng đó là gạo Nàng Thơm Chợ Đào giả một trăm phần trăm. Vậy mà vẫn được bán công khai khắp nơi mà chẳng hề bị xử phạt.

Thực hư hóa chất

Nói về chuyện dùng hóa chất để biến gạo thường thành gạo thơm, nhiều doanh nhân trong ngành gạo đều khẳng định có việc này. Theo tiết lộ chủ một doanh nghiệp cung ứng gạo thành phẩm ở Đồng Tháp, “thủ phủ” của việc tẩm hương liệu vào gạo để “phù phép” biến gạo thường thành gạo thơm là ở Cái Bè (Tiền Giang).

Đây là nơi tập trung một số lượng lớn các nhà máy xay xát, chế biến gạo, là một trung tâm cung ứng gạo thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, cũng có không ít doanh nghiệp ở Cái Bè đã thường xuyên tẩm hương liệu để biến gạo thường thành gạo thơm.


Tràn lan các cửa hàng rao bán gạo Nàng Thơm Chợ Đào (Ảnh minh họa)

Những doanh nghiệp còn “đàng hoàng” một chút thì sử dụng hương liệu từ cây lá dứa (không phải cây dứa ăn quả - PV). Nhưng đó chỉ là số ít. Phần lớn những doanh nghiệp này sử dụng những loại hương liệu là hóa chất, trong đó nhiều loại không rõ nguồn gốc.

Và từ Cái Bè, mỗi ngày, một lượng “gạo thơm” không nhỏ đang được chở đi cung cấp cho hệ thống bán lẻ gạo ở TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Cũng theo doanh nhân này, ở Thốt Nốt (Cần Thơ), cũng có một số nhà máy dùng hương liệu hóa chất biến gạo thường thành gạo thơm nhưng quy mô không lớn như ở Cái Bè.

Đó là chuyện tẩm hương liệu hóa chất để biến gạo thường thành gạo thơm ở những khu vực đầu mối cung cấp gạo tiêu thụ trên thị trường nội địa. Còn ở TPHCM, gạo thơm để lâu, đã bị mất mùi, cũng đang được nhiều đại lý gạo phục hồi mùi thơm bằng các loại hóa chất.

Khi tới chợ hóa chất Kim Biên, trong vai người đi tìm mua hương liệu tạo mùi thơm cho gạo, chúng tôi đã tới đại lý Hải Hà. Một người bán hàng của đại lý này lấy ra cho chúng tôi xem một can nhựa không nhãn mác, bên ngoài chỉ ghi vọn vẹn chữ “hương lài”.

Người này nói đây là hương liệu tạo mùi thơm cho gạo. Gạo thơm để lâu đã bay hết mùi, chỉ cần đem hương liệu này pha loãng với nước, xịt lên gạo là gạo sẽ có mùi thơm như gạo hương lài mới.

Tình trạng dùng hóa chất để chống mối mọt cũng có ở một số đại lý gạo. Theo tiết lộ của ông Phạm Hậu, để tránh bị mối mọt tấn công, nhiều đại lý gạo đang sử dụng các hóa chất diệt côn trùng, trị mối mọt, nấm…

Bình thường, các đại lý đánh thuốc xung quanh khu vực để các bao gạo. Nhưng khi mối mọt đã “xông” vào tận trong bao gạo, nhiều đại lý đã không ngần ngại xịt thẳng thuốc vào trong gạo. Vì khi “chơi” thẳng thuốc vào gạo, không những sẽ diệt được những con mọt, mà còn làm cho hạt gạo có vẻ bóng bẩy, bắt mắt hơn.

Còn về việc tẩy trắng gạo bằng các loại hóa chất như bezoyl peroxide và calcium peroxide, mà nhiều nước đã cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm vì sự độc hại của chúng, ông Hậu cho biết cũng có những trường hợp này.

Tuy nhiên, khi trao đổi với NNVN, một số doanh nhân lâu năm trong ngành gạo lại cho rằng đó chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ. Ông Huỳnh Úc Phi Châu, GĐ Cty TNHH Gạo Sạch, phân tích: “Giá gạo thông thường trên thị trường Nam bộ bây giờ đang khá rẻ, chỉ 7.000-8.000 đ/kg. Muốn làm cho hạt gạo cũ  có màu trắng, người ta chỉ cần bỏ ra 200 đ/kg để đem đi lau bóng là xong.

Vì thế, có lẽ người ta không dùng hóa chất để làm trắng gạo cũ, bởi sẽ làm đội chi phí lên nhiều. Còn nếu dùng hóa chất để tẩy mốc, chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, ở quy mô nhỏ”.

Có một điều mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo đều thống nhất với nhau rằng, trong khi gạo xuất khẩu buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, ATTP, được khách hàng nước ngoài kiểm tra kỹ, thì gạo tiêu thụ nội địa lại đang bị bỏ lỏng hoàn toàn về chất lượng, ATTP, ai muốn bán sao thì bán, muốn trộn, muốn tẩm hóa chất, hương liệu, muốn tùy ý đặt tên gạo thế nào… cũng chẳng sợ bị cơ quan chức năng nào tới “hỏi thăm”.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm