| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn tại Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn

Chủ Nhật 13/01/2019 , 08:30 (GMT+7)

Tại Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn (khu vực hẻm 560, đường Nơ Trang Long, P.13, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đang xảy ra nhiều bất ổn như thi công gây ô nhiễm, bụi bặm, tiếng ồn và không an toàn… khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.

Thi công bất ổn

Theo người dân sống xung quanh khu vực công trình Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đang thi công (gần cầu Bình Lợi): Khoảng 9h30 ngày 25/12/2018 tại công trình trình này đã để xảy ra tình trạng máy cẩu bê tông sắt khi thi công đã bị nghiêng và đổ sập. Thấy vậy, người dân vội tri hô, các thợ hàn ở dưới công trình biết được mới hốt hoảng tháo chạy thoát chết. Sau đó, cần cẩu công trình đổ sập vào nhà người dân, rất may trong nhà không có người nên vụ tai nạn không gây thương vong cho người dân sinh sống nơi đây. Tuy vậy, sự cố là hồi chuông cảnh báo công trình thi công rất mất an toàn, đang đe dọa đến tính mạng công nhân và người dân xung quanh.

16-38-22_1
Hiện trường vụ cần cẩu đổ sập tại công trình ngày 25/12/2018

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường 13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: Sau khi nghe người dân báo vụ cần cẩu đổ ngang, trục cẩu đổ xuống nhà người dân, UBND Phường đã phối hợp với công an, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM… đến lập biên bản ghi nhận hiện trường. Theo đó, hiện trường ghi nhận đầu trụ cần cẩu đập vào mái hiên nhà người dân, cả thân máy bị đổ ngang trơ xích…

Ông Lĩnh cho biết: Dự án sau 3 năm triển khai hiện vẫn đang ngổn ngang. Khi đơn vị thực hiện dự án này người dân đã phản ánh tới phường việc đơn vị thi công gây bụi bặm, tiếng ồn, thi công vào ban đêm, thi công không đảm bảo an toàn và kéo dài…

Do đó, vụ cần cẩu sập này, UBND phường 13 đã lập biên bản ghi nhận hiện trường, và xem xét nếu vi phạm nào thuộc thẩm quyền của UBND phường thì sẽ xử phạt, cái nào ngoài thẩm quyền thì kiến nghị xử lý. Trước mắt phường sẽ mời đơn vị thi công ẩu này lên để làm việc. Được biết, hiện vụ việc xảy ra tại công trình cũng đã được Thanh tra sở GT-VT TP.HCM lập biên bản để xử lý.
 

Người dân âu lo

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước đó tại công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn này cũng xảy ra nhiều vấn đề khiến người dân vô cùng ngao ngán. Và điều này đã được đưa ra tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân của phường và lãnh đạo phường này đã mời chủ đầu tư lên để nhắc nhở. Ngoài ra, việc tiến độ thi công của dự án chậm so với tiến độ thi công đã báo cáo trước là vào tháng 12/2018 tuy nhiên đến nay chủ đầu tư đã xin gia hạn tiến độ thi công hoàn thành cho đến tháng 4/2019.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quyết định 5080/QĐ của Bộ GTVT giao chức năng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án vào thời điểm trước ngày 5/9/2017 là Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa. Sau ngày 5/9/2017 là Ban Quản lý dự án 7. Nhà đầu tư được lựa chọn liên danh là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh (GUD) và Công ty CP Đầu tư & Xây dựng STD Việt Nam (Liên danh GUD- STD);  doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi.

Công trình hạ tầng đường thủy nội địa đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT này có tổng mức đầu tư của 1.302 tỷ đồng, chi phí xây dựng 838 tỷ đồng, trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7 m và cải tạo, bảo trì luồng sông Sài Gòn có độ dài khoảng 71 km. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan tải trọng trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Nhà đầu tư sẽ tiến hành thu phí các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho dự án trong vòng 20 năm 9 tháng.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2016, nhưng trên thực tế, cho đến thời điểm hiện tại công trình vẫn đang thi công, chưa được đưa vào vận hành.

(Kiến thức gia đình số 2)

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.