Ngày 2/6, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đánh giá hiệu quả ứng dụng trạm giám sát côn trùng thông minh trong giám sát và dự tính dự báo côn trùng hại cây trồng của Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam.
Nhiều ưu điểm so với bẫy đèn truyền thống
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Rynan Technologies Vietnam (Công ty Rynan), bẫy đèn giám sát côn trùng thông minh hoạt động bằng năng lượng mặt trời, đảm bảo an toàn về điện khi vận hành đặc biệt khi có mưa và gió lớn, dễ dàng lắp đặt tại các vị trí xa không cần nguồn điện lưới. Bẫy cũng có thiết bị chống sét để bảo vệ thiết bị trong những ngày mưa bão.
Trạm giám sát côn trùng thông minh dẫn dụ côn trùng bằng ánh sáng đèn LED có dải bước sóng phù hợp (ánh sáng UV, ánh sáng xanh dương, ánh sáng xanh lá, ánh sáng trắng) tập trung vào khu vực hoạt động của trạm. Quá trình thu gom côn trùng thực hiện tự động định kỳ và ghi nhận bằng camera chuyên dụng các hình ảnh côn trùng vào trạm như: Rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, bướm sâu đục thân, bướm sâu keo mùa thu, bọ xít mù xanh, bọ xít, kiến 3 khoang…
Trạm truyền gửi dữ liệu hình ảnh thu thập định kỳ 1 giờ chụp 1 hình ảnh côn trùng thu thập được bằng camera gửi về trung tâm phân tích dữ liệu (hoặc tần suất chụp ảnh có thể điều chỉnh tùy theo lượng sâu rầy). Sau đó người dùng có thể truy cập thông tin hình ảnh, dữ liệu thu thập dễ dàng thông qua phần mềm Quản lý trung tâm. Hệ thống tự động vệ sinh và làm sạch sau khi có côn trùng bay vào, đảm bảo dữ liệu hình ảnh côn trùng luôn mới cập nhật theo thực tế môi trường.
Hệ thống có thể thay đổi dải bước sóng ánh sáng phù hợp theo thời gian và tập tính của từng loại côn trùng muốn giám sát nhanh chóng bằng ứng dụng di động.
Theo đánh giá của Công ty Rynan, trạm có thể nhận dạng, phân tích hơn 70 loại côn trùng bằng trí tuệ nhân tạo và đưa ra các cảnh báo hữu ích về dịch hại, hệ thống máy học hoạt động ngày càng chính xác khi có nhiều dữ liệu sâu rầy thu thập theo thời gian.
Trạm ứng dụng công nghệ Internet Vạn Vật (IOT- Internet of Things) để điều khiển và thay đổi cấu hình thiết bị, dữ liệu chuẩn, tạo nên hệ thống giám sát hữu hiệu. Sử dụng công nghệ 3G/4G truyền nhận dữ liệu cho giải pháp không dây thông minh theo thời gian thực.
Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên các địa hình triển khai diện rộng (ruộng lúa, rau màu, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn...), không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Có hệ thống ắc quy trữ năng lượng phục vụ hoạt động của thiết bị vào buổi tối.
Ngoài ra, trạm sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại, đếm số lượng, mật độ, dự báo, cảnh báo côn trùng thông qua ứng dụng trên di động và giải pháp quản lý trung tâm SaaS (Software as a Service), ghi nhận hình ảnh các côn trùng vào trạm lưu trữ ở trung tâm dữ liệu.
Cần nghiên cứu, điều chỉnh các hạn chế
Qua đánh giá của những đơn vị trực tiếp sử dụng, bẫy đèn thông minh có độ chính xác nhất định khi được so sánh với bẫy đèn truyền thống. Tuy nhiên tại hội nghị, một số lãnh đạo chi cục trồng trọt và BVTV địa phương đã chỉ ra những tồn tại của bẫy đèn thông minh.
Cụ thể đó là chi phí lắp đặt hệ thống, bảo trì, phần mềm sử dụng hệ thống hàng năm tương đối cao. Tại một thời điểm khi số lượng côn trùng bay vào bẫy nhiều, khả năng các côn trùng nằm chồng lên nhau, camera hệ thống có thể sẽ đếm sai sót.
Hệ thống bẫy côn trùng thông minh nhanh bị bẩn do lượt đếm tiếp xúc trực tiếp với côn trùng nên cần vệ sinh thường xuyên hoặc định kỳ mỗi tuần 1 lần.
Phía bên trong các phụ kiện bẫy đèn không có hộp che chắn để hạn chế côn trùng bám dính vào, nếu côn trùng bám dính vào khi vệ sinh rất dễ làm hư đứt các mối bo mạch điện.
Hệ thống chiếu sáng có 4 màu xanh, xanh lá, trắng, UV có thể điều chỉnh để thu hút côn trùng tuy nhiên chưa đủ độ sáng để thu hút côn trùng trên diện rộng so với bẫy thủ công.
Đối với cây ăn trái, hệ thống chưa đáp ứng được như mong muốn vì số lượng côn trùng vào bẫy thấp, chủ yếu là các đối tượng trên lúa vào bẫy nhiều.
Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương, việc áp dụng thiết bị đèn bẫy côn trùng là một hướng rất tốt trong công việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp. Hiện nay, công tác dự tính dự báo của sinh vật gây hại trong các nhóm về côn trùng giữ vai trò quan trọng trong việc phòng trừ bệnh vàng xoăn lá ở phía Nam, vùng ĐBSCL và rầy lưng trắng ở phía Bắc.
Từ những đánh giá về trạm bẫy đèn giám sát côn trùng thông minh, Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương nêu 3 vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết.
Một là Công ty Rynan cần tiếp tục cải tiến để hạ giá thành sản phẩm. Để có thể tiến tới việc thay thế bẫy đèn truyền thống thì vấn đề về độ chính xác rất quan trọng.
Hai là phải nghiên cứu xác định được các đối tượng côn trùng có xu hướng tiếp xúc với ánh sáng hay không. Hiện nay, việc áp dụng bẫy côn trùng thông minh này mới chỉ đang thử nghiệm trên cây lúa, tuy nhiên trên cây ăn quả lại chưa có hiệu quả.
Ba là vấn đề tương quan giữa số lượng côn trùng vào bẫy đèn với số lượng côn trùng bên ngoài. Hiện nay chưa chỉ ra được tương quan để có những chỉ đạo phòng trừ kịp thời, chính xác. Tương tự, những vấn đề về xác định, lựa chọn bước ánh sáng hiệu quả cũng cần phải được xem xét lại.
Thông qua hội nghị, Cục BVTV sẽ phối hợp và hỗ trợ Công ty Rynan cải thiện bẫy đèn thông minh để có thể phát triển ở các địa phương phục vụ sản xuất hiệu quả.
Về phía Công ty Rynan, trong khoảng 1 tháng tới, đối với những trạm đang hoạt động, Công ty sẽ thay thế bộ điều khiển, đồng thời gắn thêm đèn 2 tầng, nâng cấp độ rộng của phễu để hướng đến mục tiêu số rầy nâu có thể tăng lên gấp 10 lần.
Đại diện Công ty Rynan cũng thể hiện sự nhất trí và mong muốn sớm được phối hợp với Cục BVTV để cải tiến sản phẩm bẫy đèn thông minh, phục vụ người nông dân.