Theo bà Đinh Thị Chúc ở làng 2, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), lúa cạn (lúa rẫy), bắp (ngô) nếp và mì (sắn) ngọt không chỉ là cây lương thực mà còn là “hồn cốt”, là biểu tượng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Bình Định.
“Lúa cạn là niềm tự hào của người dân miền núi chúng tôi. Giống lúa này quý lắm, nó có từ thời xa xưa. Lúa cạn nuôi sống từ đời tổ tiên đến đời chúng tôi qua không biết bao nhiêu mùa rẫy”, bà Chúc chia sẻ.
Theo Thạc sỹ Trương Thị Thuận, nghiên cứu viên của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV), lúa cạn không đơn thuần là một cây lương thực mà còn là kho tàng tri thức bản địa được tích lũy qua nhiều thế hệ của đồng bào miền núi. Đặc tính độc đáo của giống lúa này là cảm quang, có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở miền núi.

ASISOV thực hiện mô hình canh tác 3ha các giống lúa cạn có nguồn gốc bản địa tại xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.
Theo TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, nguồn gen các giống cây trồng bản địa rất dễ bị mất. Những giống này đã tồn tại từ đời này qua đời khác nên đã bị thoái hóa, dễ bị nhiễm sâu bệnh, sản xuất không hiệu quả nên người dân không sản xuất nữa hoặc còn sản xuất nhưng đã bị lẫn tạp.
“Khi đã bị lẫn tạp thì chỉ một giống nhưng có thể có nhiều tên gọi khác nhau. Ví như chúng tôi thu thập được 9 giống tại nhiều địa phương khác nhau, có tên gọi khác nhau nhưng có thể đó chỉ là 1 - 2 giống, nhưng tại mỗi địa phương chúng có tên gọi khác nhau. Do đó, việc bảo tồn bắt đầu từ việc chọn lọc, xác định những giống bản địa có giá trị để bảo tồn”, TS Khuê giải thích.
Với mục tiêu bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng nhằm bảo vệ đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định, ASISOV đã tiến hành điều tra hiện trạng canh tác, đánh giá đặc điểm nông sinh học đặc trưng các giống lúa cạn, ngô nếp và sắn ngọt có nguồn gốc bản địa của các địa phương miền núi của Bình Định, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển.
“Việc điều tra được thực hiện tại 9 xã miền núi, vùng cao của tỉnh Bình Định như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh); Canh Hòa, Canh Thuận (huyện Vân Canh); Vĩnh An, Tây Xuân (huyện Tây Sơn); An Quang, An Nghĩa (huyện An Lão)”, TS Vũ Văn Khuê cho hay.
Từ những địa phương kể trên, các nhà khoa học của ASISOV đã thu thập được 9 giống lúa cạn quý hiếm như Ba Trăng, Ba Đác, Lúa to, Lúa đá, Ba Von, Ba Kre, Ba Dú, Ba Níp, Ba Toon; 3 giống bắp nếp độc đáo và các giống mì ngọt đặc trưng của vùng. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành phân tích và lập bảng mô tả một cách có hệ thống những thông tin quan trọng về hình thái, sinh trưởng, khả năng chống chịu… của giống phục vụ công tác lưu trữ, bảo tồn cũng như tạo cơ sở để nghiên cứu phát triển giống trong tương lai.
“Chúng tôi áp dụng phương pháp bảo tồn kép, vừa giữ gìn tại chỗ để duy trì khả năng thích nghi tự nhiên, vừa lưu trữ và bảo quản hạt giống trong môi trường thích hợp nhằm kéo dài thời gian sống của hạt”, TS Khuê cho hay.

Các giống lúa cạn cho năng suất bình quân 3,77 tấn/ha, tăng hơn 21% so với trồng đại trà. Ảnh: V.Đ.T.
ASISOV cũng đã thực hiện được mô hình sản xuất 3 giống lúa cạn gồm Ba Đác, Ba Tranh, Ba Dú với diện tích 3ha; năng suất bình quân đạt 3,77 tấn/ha, tăng hơn 20% so với trồng đại trà; 1ha giống ngô nếp cho năng suất gần 13 tấn/ha, tăng gần 21% so với trồng đại trà; 1ha giống mì ngọt với năng suất gần 14 tấn/ha, tăng hơn 38% so với đại trà...
Các mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để người dân vùng nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn giống tốt, kỹ thuật trồng mới giúp nâng cao năng suất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
ASISOV đã tư liệu hóa và bảo tồn nội vi kết hợp ngoại vi được một số giống lúa cạn, ngô nếp và giống sắn ngọt của tỉnh Bình Định. Quy mô giống được bảo tồn gồm 2.000m2 giống lúa, 1.000m2 giống ngô nếp và 2.000 m2 giống sắn ngọt.
“Việc bảo tồn nguồn gen các giống bản địa phù hợp với định hướng Quy hoạch bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015”, TS Vũ Văn Khuê chia sẻ.