| Hotline: 0983.970.780

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

Thứ Tư 02/04/2025 , 08:44 (GMT+7)

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Dưới ánh nắng vàng dịu nhẹ của vùng cao nguyên Vân Hồ (Sơn La), giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng, có một người phụ nữ lặng lẽ nâng niu từng mầm sống nhỏ bé trong căn nhà màng kiên cố. Từ một nông dân gắn bó với ruộng lúa, nương ngô, chị Đinh Thị Hường ở bản Hang Trùng, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) giờ đây đã trở thành “bà đỡ” mát tay của hàng chục vạn cây giống, mở ra con đường mới cho nông nghiệp công nghệ cao nơi vùng núi xa xôi.

Gia đình chị Hường hiện là cơ sở cung cấp cây giống có tiếng trong huyện Vân Hồ. Ảnh: Đức Bình.

Gia đình chị Hường hiện là cơ sở cung cấp cây giống có tiếng trong huyện Vân Hồ. Ảnh: Đức Bình.

Từ nương rẫy bạc màu đến giấc mơ xanh trong nhà màng

Trước năm 2020, gia đình chị sinh sống hoàn toàn nhờ vào 1ha đất trồng ngô và lúa. Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi Tây Bắc, mùa đông lạnh buốt, mùa mưa kéo dài, những vụ mùa của gia đình chị thường xuyên rơi vào cảnh bấp bênh. Hàng năm, gia đình thu được khoảng 50 - 60 bao ngô và khoảng 20 - 30 bao thóc. Tổng thu nhập mỗi năm chỉ xoay quanh 50 triệu đồng, vừa đủ trang trải cuộc sống.

“Năng suất lúa hay ngô rất bấp bênh vì thời tiết khắc nghiệt, tôi phải tìm đến giải pháp khác cho phù hợp, xây dựng nhà màng là ý tưởng ban đầu, nhưng kinh tế của gia đình lúc đó không đủ” chị Hường chia sẻ.

Nhìn những luống ngô vàng úa sau một đợt sương muối, những cánh đồng lúa xác xơ sau những trận mưa lớn, chị Hường biết rằng nếu không thay đổi, gia đình chị sẽ mãi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo. 

Trong những ngày tháng trăn trở tìm hướng đi mới, chị Hường nhận được sự giới thiệu từ Phòng NN-PTNT huyện (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vân Hồ) về dự án GREAT do Chính phủ Úc tài trợ nhằm hỗ trợ phụ nữ vùng cao phát triển kinh tế thông qua nông nghiệp công nghệ cao

Với sự hỗ trợ từ dự án, tháng 9/2020, chị được đầu tư một nhà ươm hiện đại rộng 350m2, trang bị đầy đủ khay gieo hạt, giá thể dinh dưỡng và hệ thống thiết bị hỗ trợ tiên tiến với tổng giá trị đầu tư 256 triệu đồng, trong đó gia đình chị đối ứng 50%, tương đương 128 triệu đồng - khoản tiền không nhỏ đối với hộ nông dân miền núi. Nhưng giữa những đắn đo, chị hiểu rằng đây chính là thời điểm để dám nghĩ, dám làm và thay đổi cuộc sống của gia đình.

Nhà màng của chị Hường rộng hơn 300m2 luôn phủ kín cây giống. Ảnh: Tú Thành.

Nhà màng của chị Hường rộng hơn 300m2 luôn phủ kín cây giống. Ảnh: Tú Thành.

Chị bàn bạc cùng gia đình đầu tư thêm một nhà màng nữa để trồng cây, tận dụng những cây giống khỏe mạnh từ vườn ươm của chính mình. Hiện nay, gia đình chị đang nghiên cứu và thử nghiệm trồng cây cà chua với kỳ vọng vừa cung cấp cây giống và sản phẩm nông sản chất lượng cao ra thị trường.

Bắt nhịp công nghệ cao

Phía trong nhà màng, những khay cây non xanh mướt, xếp ngay ngắn theo từng hàng dài. Ở đây, mỗi hạt giống đều được nâng niu, chăm sóc với quy trình tỉ mỉ.

Khi đã bén rễ trong những khay gieo chứa giá thể dinh dưỡng, cây con được tưới nước đều đặn hai lần mỗi ngày bằng hệ thống tưới tự động. Những khu vực khô sẽ được tưới bổ sung bằng tay, đảm bảo từng gốc cây đều nhận được độ ẩm cần thiết.

Nhà màng không phải là lá chắn tuyệt đối. Côn trùng vẫn có thể xâm nhập, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây giống. Để bảo vệ, chị Hường lắp đặt hệ thống đèn bẫy côn trùng, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào nhà màng, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. 

Thời gian ươm giống cũng có sự khác biệt, mùa lạnh mất khoảng 1 tháng để cây con sẵn sàng xuất vườn, khi hè sang chỉ cần khoảng 20 ngày. Mỗi tháng chị có thể xuất hàng vạn cây giống, mang lại thu nhập ổn định.

Ngoài sử dụng hệ thống tưới tự động, gia đình chị Hường còn tưới bổ sung để đảm bảo các cây giống đều nhận đủ nước. Ảnh: Tú Thành.

Ngoài sử dụng hệ thống tưới tự động, gia đình chị Hường còn tưới bổ sung để đảm bảo các cây giống đều nhận đủ nước. Ảnh: Tú Thành.

Với giá bán dao động từ 300 – 500 đồng/cây giống, chỉ trong năm đầu tiên, chị Hường đã đạt doanh thu trên 100 triệu đồng - con số mà trước đây chị chưa từng dám nghĩ tới. Những đồng tiền đầu tiên từ cây giống giúp chị trang trải cuộc sống, có thêm vốn để đầu tư cải tiến mô hình, nâng cao chất lượng sản phẩm. Và quan trọng hơn cả, chị đã tìm thấy một hướng đi bền vững cho gia đình mình.

Thành công ban đầu không khiến chị Hường dừng lại. Nhìn lại chặng đường đã qua, chị hiểu rằng để phát triển bền vững, cần không ngừng đổi mới và hoàn thiện mô hình sản xuất. Chị đang lên kế hoạch đầu tư thêm hệ thống đo độ ẩm, quạt thông gió để điều chỉnh môi trường trong nhà màng tối ưu hơn. Bên cạnh đó, chị đặc biệt chú trọng đến cải thiện chất lượng giá thể.

Giá thể sử dụng được trộn từ phân chuồng, vôi nông nghiệp, trấu hun, phân trùn quế và một số loại chế phẩm sinh học. Quá trình chuẩn bị mất khoảng 2 - 3 tháng, chị luôn ủ trước sản lượng lớn, có thể duy trì sản xuất liên tục mà không bị gián đoạn.

Hành trình thay đổi nông nghiệp vùng cao

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Hường còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với những nông dân khác. Chị đã tham gia nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm giống cho bà con, giúp họ tiếp cận với mô hình nhà màng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Câu chuyện của chị là hình ảnh thu nhỏ của sự chuyển mình mạnh mẽ trong nông nghiệp ở Vân Hồ. 

Giá thể là yếu tố quan trọng giúp cây giống phát triển. Ảnh: Tú Thành.

Giá thể là yếu tố quan trọng giúp cây giống phát triển. Ảnh: Tú Thành.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, những năm gần đây, Trung tâm đã triển khai 25 mô hình khuyến nông với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ hơn 2,2 tỷ đồng, còn lại do người dân đối ứng.

Những mô hình như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước đã và đang thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp địa phương. Từ chỗ canh tác nhỏ lẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nông dân giờ đây đã có thể làm chủ công nghệ, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện Vân Hồ cũng định hướng xây dựng mô hình khuyến nông theo giai đoạn 5 năm, lựa chọn mô hình phù hợp với tiềm năng và lợi thế địa phương. Ưu tiên các mô hình có tính cấp thiết, có tiềm năng thị trường, khả năng nhân rộng và liên kết đầu ra ổn định. Nông dân được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, yên tâm duy trì và nhân rộng mô hình. Khuyến khích sự hợp tác giữa các hộ gia đình, hợp tác xã để tạo thành chuỗi sản xuất bền vững.

Mỗi sáng, khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua tấm màng trắng, chiếu rọi lên những khay cây non, trong căn nhà màng rộng lớn ấy, không chỉ có những mầm xanh đang vươn lên, mà còn có cả niềm tin, hi vọng và một tương lai đầy hứa hẹn phía trước.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ chia sẻ: “Mô hình của chị Hường chính là kết quả của sự hỗ trợ kịp thời và quyết tâm thay đổi. Nông dân hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất bền vững và cải thiện cuộc sống”.

Xem thêm
Nuôi lợn '5 không' - Giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho nông hộ

Những mô hình chăn nuôi lợn chuẩn '5 không' đang mang lại ít nhất 5 hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, môi trường, dịch bệnh và xã hội.

Đắk Lắk bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ vacxin

ĐẮK LẮK UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các địa phương phải bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vacxin.

Giá dứa cao, đồng bào phấn khởi

LÀO CAI Giá dứa bán tại nương đạt khoảng 6.000 đồng/kg, tại nhà máy từ 8.000 đồng/kg trở lên. Với mức giá này, người dân huyện Mường Khương phấn khởi vì có lãi cao.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

150 doanh nghiệp tham gia Analytica Việt Nam 2025

150 doanh nghiệp với 300 gian hàng tham gia Triển lãm Quốc tế lần thứ 8 về công nghệ phân tích, thí nghiệm, chẩn đoán và công nghệ sinh học tại Việt Nam.

Quản lý chặt đội tàu để chống khai thác IUU

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa thực hiện quản lý chặt đội tàu, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm góp phần gỡ ‘thẻ vàng’ IUU.

Công chiếu phim tài liệu ‘Dưới tán rừng Ngọc Linh’

Bộ phim tài liệu đã tái hiện sinh động về nguồn gốc, quá trình bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Bình luận mới nhất