Một gia đình 3 người đi du lịch ở Đà Nẵng, nhưng 2 người tử vong còn một người đang hôn mê sâu, nghi do ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Cũng thời gian đó, 10 ngư dân đang đánh cá trên biển cùng lúc bị NĐTP, hôn mê. May mà được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, đưa vào Nha Trang cứu chữa. Và hàng chục người dân ở huyện Gio Linh (Quảng Trị), phải nhập viện sau khi ăn cưới về vì NĐTP. Chỉ một ngày, xảy ra tới 3 vụ NĐTP lớn, đã khiến xã hội bàng hoàng.
Theo báo cáo của UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, thì từ năm 2011 đến năm 2016, thì mỗi năm có trung bình 167 vụ NĐTP, với hơn 5.000 người mắc, trong đó có 27 người chết. Cũng trong thời gian này, đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm hơn 4 triệu người mắc, trong đó 123 người đã chết.
Những con số đó đã nói lên một thực trạng đáng “báo động đỏ” ở nước ta. Đó là nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan từ các chợ cóc vỉa hè, các chợ quê cho đến các nhà hàng sang trọng bậc nhất ở các thành phố, các khu du lịch... Không mấy ngày mà báo chí không đưa đậm thông tin, hoặc là một lô thịt thối, lòng thối, gà vịt đang trong giai đoạn phân hủy...Không có nguồn gốc xuất xứ, được vận chuyển đến các thành phố lớn để tiêu thụ. Hoặc là tôm ươn, cá thối mực thối...Được ngâm tẩm hóa chất để biến thành những thứ tươi ngon, lợn chết bệnh biến thành lợn Mường lợn Mán đặc sản. Nhưng những vụ thực phẩm bẩn bị bắt, bị phát hiện đó, chỉ là phần ngọn, là “phần nổi của một tảng băng chìm”, trên thực tế, mỗi ngày, hàng trăm tấn thực phẩm bẩn vẫn đang ồ ạt chẩy vào miệng người ăn.
Thực phẩm đã vậy, còn ngoài ruộng rau, đến đâu cũng thấy bao bì thuốc trừ sâu, trừ cỏ vương vãi tứ tung. Hiện tượng “một loại rau trồng hai luống. Một luống để nhà ăn, một luống để bán” đã trở thành phổ biến. Rồi nông sản Tàu đội lốt nông sản Việt tràn lan, mà vụ thành phố Đà Lạt vừa đưa hơn 100 tấn khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc ra khỏi các chợ của thành phố, là một vụ điển hình. Số đông người dân bây giờ mỗi khi ra chợ, đều rất sợ hãi, không biết nên mưa loại thực phẩm nào, bởi không ai dám chắc rằng những thứ đang bày bán trước mặt mình không còn tồn dư chất độc hại hay là chưa qua những “kỹ xảo giết người” để biến từ ươn thối thành tươi ngon?. “Chưa bao giờ mà con đường từ cái miệng đến nghĩa địa lại ngắn đến thế”. Lời nói của một vị đại biểu quốc hội, lúc nào cũng nóng hổi tính thời sự.
Luật An toàn Thực phẩm đã được quốc hội khóa XII ban hành từ năm 2010. Nhưng đã 8 năm nay, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vẫn còn vô cùng gian nan, vì những kẻ sản xuất và đưa thực phẩm bẩn vào cuộc sống càng ngày càng tinh vi. Có thể nói việc chống thực phẩm bẩn gian nan không kém gì cuộc chiến chống tham nhũng. Và thực phẩm bẩn vẫn đang còn là một câu chuyện rất dài, dài không kém gì những “sợi dây kinh nghiệm”.