Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp |
Kết quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các ngành các cấp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre về phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu đang được nâng lên. Nhiều mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) được nhân rộng. Giảm nhanh diện tích trồng lúa tại các vùng bất thuận (giảm 10.000ha). Tăng diện tích dừa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, nhiều THT, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được hình thành trên các loại cây ăn trái đặc sản như bưởi da xanh, chôm chôm, dừa.
Triển khai nhiều dự án
Nâng cao năng lực trong việc ứng phó và thích ứng BĐKH, từ các nguồn vốn Trung ương, vốn vay ODA, Bến Tre đã tập trung triển khai đầu tư các dự án như: Thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL tại Bến Tre (vốn IFAD). Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn I, hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, dự án quản lý nước Bến Tre (JICA3), dự án cung cấp nước cho người dân Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng…
Hiện dự án Quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn Nhật Bản, vốn đầu tư 6.191 tỷ đồng (vốn nước ngoài là 5.263 tỷ đồng) đang trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, giao đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 cho biết, công tác đấu thầu tư vấn thiết kế và giám sát thực hiện dự án đã xong, nhưng do chưa được bố trí vốn nên hiện nay chưa triển khai được công tác thiết kế. Dự án đã bị chậm lại 12 tháng so với cam kết với nhà tài trợ.
Ông Hùng cũng kiến nghị, UBND tỉnh Bến Tre quan tâm kịp thời đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bàn giao đất cho BQL ĐTXD Thủy lợi 9 để xây dựng trạm điều khiển trung tâm của hệ thống giám sát và quan trắc.
Các dự án Thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, đang trong quá trình thi công, một số gói thầu ở các dự án đã hoàn thành chờ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Riêng dự án thủy lợi Nam Bến Tre dự kiến sẽ đưa vào sử dụng năm 2020. Các dự án ngăn mặn, cấp nước đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.
Đại biểu báo cáo tại hội nghị |
Với 112 điểm sạt lở, dự án chống sạt lở cấp bách bờ sông bờ biển tỉnh Bến Tre tại các điểm: Cồn Ngoài (Ba Tri), Cồn Bửng (Thạnh Phú), Phú Đa (Chợ Lách) hiện đã được tỉnh hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất; đang hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định và phê duyệt dự án.
Chủ động thích ứng
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Thời gian tới Bến Tre sẽ tập trung cho quản lý, quy hoạch nguồn nước ngọt để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, phát triển bền vững. Nước mặn cũng được xem là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế theo Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Bến Tre sẽ chuyển từ trạng thái sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, chủ động thích ứng với BĐKH. Ông Lập kiến nghị: Đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, điều chỉnh nguyên tắc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa cho phù hợp tình hình thực tế. Hỗ trợ tỉnh đăng ký bổ sung các mặt hàng trái cây chủ lực xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: Bưởi da xanh, dừa, sầu riêng, xem xét bố trí vốn triển khai thực hiện dự án “Liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa theo hướng an toàn, chất lượng cao ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long”.
Tiếp tục hỗ trợ vốn thực hiện cho năm dự án được phê duyệt tại Quyết định số 1291 ban hành ngày 10/4/2017 của Bộ NN-PTNT. Dự án phát triển vùng nguyên liệu cây có múi theo hướng an toàn, chất lượng cao ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bến Tre trong thực hiện Nghị quyết 120. Ông lưu ý: Từ quy hoạch "sống chung với lũ", sang “chủ động sống chung với lũ” thì tính chủ động phải cao hơn nữa, Bến Tre cần biến thách thức thành cơ hội. Chia vùng sản xuất ngọt mặn lợ rõ ràng, bám theo nguyên tắc này để chỉ đạo triển khai. Trong quy hoạch cần phải phù hợp với các công trình thủy lợi phòng chống thiên tai đang đầu tư. Làm đâu đồng bộ đấy, làm xong phải phát huy tác dụng ngay.
Bến Tre cũng cần quan tâm tập trung quản lý tốt các công trình đầu tư. Xét về vốn đầu tư các công trình thủy lợi thì Bến Tre là một trong các tỉnh tốp đầu cả nước. Trong khoảng 6 năm vừa qua, mức vốn đầu tư các công trình thủy lợi cho Bến Tre xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Tỉnh cần có trách nhiệm quản lý, khai thác hợp lý.
Kiểm tra kiểm soát khai thác cát "Chúng tôi thấy khoảng 90% tàu chạy trên sông Tiền là tàu chở cát. Với lượng tàu chở cát như thế này thì có chống kiểu gì cũng sạt lở. Tỉnh cần phải tính toán quản lý, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát khai thác cát. Các Sở cấp phép khai thác cũng cần phải tính toán kỹ lại, nếu không, Bến Tre sẽ ngày càng sạt lở và sạt lở khủng khiếp hơn". (Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp) |