Đã hơn nửa tháng kể từ khi nông dân Ấn Độ, chủ yếu từ hai bang Tây Bắc Punjab và Haryana, kéo đến ngoại vi Delhi để biểu tình, chống lại luật tự do hóa ngành nông nghiệp được Thủ tướng Narendra Modi ban hành. Họ sẵn sàng tá túc trong những căn lều tạm được dựng ngoài trời, và sẵn sàng chờ đến khi được đối thoại với lãnh đạo ngành nông nghiệp.
"Đây là thực phẩm được gửi từ những người ủng hộ trên khắp mọi miền Ấn Độ, trong đó có cả từ Anh và Canada. Chúng tôi chắc chắn không thiếu thức ăn, kể cả khi phải đấu tranh trong nhiều tháng nữa", Jaswinder Pal Singh, một nông dân ở Punjab vừa nói vừa đổ một loạt bao tải chứa đầy hạnh nhân xuống những chiếc chậu lớn.
Theo Guardian, hàng ngày rất nhiều xe tải chở đến khu lều tạm này gạo, bột mì, rau, đường, chè, bánh quy cùng vô vàn nhu yếu phẩm khác, bất chấp lệnh cấm tụ tập của Chính quyền Delhi.
Gần 20 ngày qua, hàng trăm ngàn nông dân đã lập thành một vành đai bao quanh Delhi, trong đó có rất nhiều người già, râu tóc bạc trắng. Trên những chiếc máy kéo, xe tải, vốn được dùng để vận chuyển cây trồng hàng ngày, lương thực được chất đầy. Chúng được dựng sát hàng rào giới nghiêm của cảnh sát, tựa như một tấm lá chắn, và là ngôi nhà để những nông dân này chống chọi qua mùa đông trước mắt.
Tại Singhu, một trong ba địa điểm ở ngoại ô Thủ đô Ấn Độ, nơi những người nông dân chọn dừng chân, ba bữa ăn chính trong ngày và đồ ăn nhẹ được nấu gần như suốt 24 giờ. Một nhóm được cử nhiệm vụ chuyên trách công việc này. Họ ủ đồ ăn, trà và nước nóng trong những vạc khổng lồ.
Thực đơn một ngày tại đây thường là, trà và khoai tây rán vào buổi sáng, cơm cùng rau vào bữa trưa. Bữa chiều có bánh quy, còn buổi tối có thêm thức ăn tươi.
Khi các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo ngành nông nghiệp, chính phủ và người dân tiếp tục bế tắc, những người nông dân biết rằng chặng đường sắp tới còn rất dài. Vì thế những thùng xe tải bỗng chốc trở thành nhà di động cho họ.
Dưới sàn, họ xếp chăn thành nhiều lớp, hoặc nếu không thì là chiếu, thậm chí rơm rạ. Mọi chỗ trống ở hai bên thùng xe được sử dụng để treo những đồ dùng cá nhân, quần áo. Tại nơi trang trọng nhất, thường là đầu thùng xe, nơi tiếp giáp với ca-bin, một số người cẩn thận kê sập để làm nơi cầu nguyện.
Xung quanh và ngay chính trong lòng nơi nông dân tụ tập, các tiệm giặt là mọc lên như nấm. Một số nơi phục vụ miễn phí, một số khác lấy công nhưng chấp nhận thanh toán bằng lương thực, thuốc men, hoặc bất cứ thứ gì có giá.
Ngoài giặt là, những thợ sửa điện hoặc các điểm thu mua acquy cũng đắt khách. Thợ sửa điện tại nơi đây liên tục nhận hàng để mang ánh sáng tới cho đám đông biểu tình.
Luật tự do hóa ngành nông nghiệp được bắt đầu triển khai từ tháng 9 tại Ấn Độ. Thay đổi lớn nhất là việc xóa bỏ tư cách độc quyền mua nông sản của các nhà kho (được gọi là mandi) thuộc Ủy ban Thị trường nông sản.
Đây là cam kết tranh cử của tướng Modi với giới doanh nghiệp, và ảnh hưởng trực tiếp đến hai bang Punjab và Haryana, vốn được xem là vựa ngũ cốc của quốc gia Nam Á này.
Ở hai địa phương này, các mandi đóng vai trò trung tâm trong việc giao dịch nông sản. Họ lo ngại mất vị thế trong việc thương lượng giá hay giải quyết sự cố nếu tranh chấp phát sinh.
Trên đường đến Delhi, đoàn máy kéo, xe tải của nông dân đã cuốn phăng mọi rào chắn của cảnh sát, bất chấp hơi cay và vòi rồng của lực lượng chức năng.
Trong những tấm chăn bông quấn kín người, nhằm chống lại cái lạnh về đêm, nông dân muốn được đảm bảo mức giá sàn tối thiểu cho nông sản khi giao thương với các hãng lớn như Walmart.
Ngoài việc giăng biểu ngữ chống luật nông nghiệp mới, nông dân tranh thủ thời gian "ăn dầm ở dề" nghiên cứu các chính sách mới. Tại Ghazipur, một điểm tập trung nông dân khác, những thư viện mini mọc lên, trong đó có nhiều sách và tạp chí liên quan tới nông nghiệp và các vấn đề xã hội.
Satbir Singh, con trai của một nông dân lâu năm, đại diện cho tầng lớp nông dân trẻ theo hướng công nghiệp hoá tin rằng cần có một cuộc cải cách trên nhiều mặt, thay vì chỉ bó buộc trong việc tự do giao thương. "Đây là đất của cha ông tôi. Tại sao Modi nghĩ rằng ông ấy có thể thay cha ông tôi quyết định xem chúng tôi nên làm gì trên đất của mình?"
Khoảng hơn 50% dân số Ấn Độ sống nhờ nông nghiệp. Nông dân là lực lượng cử tri đóng vai trò chính trị lớn tại đất nước tỷ dân. Bất kỳ chính sách mới nào, nếu không hợp lòng dân, sẽ bị phản đối gay gắt.
Chủ tịch đảng Quốc đại (đối lập) Rahul Gandhi và Tổng Thư ký Liên đoàn Nông dân bang Punjab, ông Sukhdev Singh, chỉ trích rằng chính quyền New Delhi đang "biến nông dân thành nô lệ" hoặc "làm lợi cho các nhà tư bản". Còn Thủ hiến bang Punjab Amarinder Singh kêu gọi chính quyền trung ương nhanh chóng đối thoại với người biểu tình bởi vì "tiếng nói của nông dân không thể mãi bị bóp nghẹt".
Dù vậy, nông nghiệp Ấn Độ không tương xứng với tiềm năng nước này sở hữu. Ngành này chỉ góp khoảng 15% GDP. Thậm chí quốc gia này còn là nước có số người tự tử vì mất mùa cao hàng đầu thế giới. Tính riêng trong cuộc biểu tình nổ ra từ cuối tháng 11 vừa rồi, 15 người đã qua đời vì giá rét trên đường di chuyển về Delhi.
Nhiều mối đe doạ rình rập quanh những khu ở tự phát này, chẳng hạn như SARS-CoV-2. Các trạm y tế lưu động liên tục được lập nên, nhằm chữa những bệnh cho người già như cao huyết áo, sốt, cảm lạnh, và đau nhức xương khớp, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Dù vậy, hàng trăm nghìn người biểu tình mặc kệ. Singh nhấn mạnh: "Chúng tôi đã quyết tâm bỏ nhà và không bao giờ trở về tay không".