Các bên hòa giải hiện vẫn đang chờ phản hồi của cả Israel và Hamas, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với đài RT.
CBS News đưa tin hôm 14/1 đưa tin thỏa thuận ngừng bắn có thể sẽ có hiệu lực từ cuối tuần này và các bên đã bắt đầu soạn thảo các tuyên bố công khai ca ngợi thành công trong các cuộc đàm phán.
Khuôn khổ này bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 42 ngày, thả 33 con tin bị Hamas giam giữ, và một cuộc trao đổi các tù nhân Palestine bị giam giữ ở Israel, CBS News đưa tin hôm 13/1. Nếu chính phủ Israel bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, quá trình này có thể bắt đầu trong vòng vài ngày. Điều này có thể đánh dấu sự thành công của thỏa thuận ngừng bắn vốn đã được Tổng thống Joe Biden theo đuổi từ lâu, và Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ giám sát việc thực hiện thỏa thuận này.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 13/1 tuyên bố: "Chúng tôi đã ở rất gần một thỏa thuận và nó có thể được thực hiện trong tuần này".
Cuộc xung đột, bắt đầu vào tháng 10/2023 sau một cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel, đã dẫn đến chiến dịch trả đũa của Tel Aviv khiến hơn 46.000 người thiệt mạng ở Gaza, theo các cơ quan y tế địa phương.
Qatar được cho là đã gây áp lực buộc lãnh đạo Hamas Muhammad Sinwar chấp nhận thỏa thuận, trong khi đặc phái viên của ông Trump Steve Witkoff đã thúc giục phái đoàn Israel làm điều tương tự, theo hãng thông tấn AP. Giám đốc tình báo Ai Cập Hassan Mahmoud Rashad đã tham gia các cuộc đàm phán ở Doha.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng đưa tin giám đốc tình báo Ibrahim Kalin đã tham gia với Hamas để thúc đẩy thỏa thuận.
Bất chấp những nỗ lực hòa giải do Mỹ, Qatar và Ai Cập dẫn đầu, các cuộc đàm phán đã liên tục bị trì hoãn về các vấn đề quan trọng, bao gồm các chi tiết cụ thể của việc trao đổi con tin và tù nhân, thời gian rút quân của Israel và liệu lệnh ngừng bắn có kéo dài vĩnh viễn hay không.