Ngày 23/7, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã đưa ra những nhận định ban đầu về nguyên nhân trường hợp đầu tiên dương tính với bệnh bạch hầu được phát hiện tại địa phương này.
Theo đó, trường hợp thứ nhất có thể do tính hiệu quả của vắc-xin là nguyên nhân dẫn đến việc dù đã được tiêm chủng phòng ngừa bệnh bạch hầu nhưng trẻ vẫn mắc bệnh. Trường hợp nữa có thể là do vi khuẩn bạch hầu đã biến đổi, chuyển giao các plasmit cho nhau nên kháng nguyên không thể tìm để diệt được vi khuẩn, dẫn đến trẻ mắc bệnh dù trước đó đã được tiêm chủng.
Theo ông Hùng, không chỉ riêng trường hợp tại địa phương mà ở các địa phương khác vẫn gặp phải trường hợp dù đã được vắc-xin phòng bệnh bạch hầu nhưng vẫn mắc bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị cho biết thêm, thời gian tới đơn vị sẽ chủ trì làm đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về đánh giá tính hiệu quả của công tác tiêm chủng vắc-xin trên địa bàn tỉnh.
Bởi theo ông Hùng, hiện nay Sở Y tế đang sử dụng nhiều loại vắc-xin để triển khai tiêm chủng đại trà cho trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trước đây các loại vắc-xin này rất tốt nhưng hiện nay cần phải đánh giá lại tính hiệu quả. Sở Y tế Quảng Trị sẽ mời Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ để đánh tổng thể tính hiệu quả.
Liên quan đến vụ việc, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị cho thấy, theo sổ quản lý trẻ em tại Trạm Y tế xã Vĩnh Hà, bệnh nhân Hồ Thị Trà M. đã được tiêm 3 liều vắc-xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván (DPT) cùng vào ngày 5 các tháng 4,5,6. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hiện sổ tiêm chủng cá nhân của bệnh nhân H. không còn lưu tại Trạm Y tế xã Vĩnh Hà.
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin, ngày 15/7, em Hồ Thị Trà M. (sinh năm 2011, trú tại Bải Hà Mới, đang là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Vĩnh Hà, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) được người nhà đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh.
Đến ngày 16/7, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh ghi nhận em M. có các biểu hiện sốt, tiêu chảy, ho, đau rát họng, họng có nhiều giả mạc màu trắng, dính ở 2 móc Amidan.
Người nhà bệnh nhân cho hay, 6 ngày trước, em M. đã có biểu hiện như trên và gia đình có đưa đi khám ở một phòng khám tư.
Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh đã thông báo cho CDC tỉnh Quảng Trị về việc ghi nhận ca bệnh viêm họng mũ cấp nghi bệnh bạch hầu.
Ngay trong ngày, CDC Quảng Trị đã tổ chức điều tra thông tin ca bệnh nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Đến ngày 20/7, kết quả xét nghiệm với kỹ thuật PCR từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bệnh nhân M. dương tính với bạch hầu.
Theo người nhà bệnh nhân H., khoảng 20 ngày trước khi khởi bệnh, mẹ cháu có đến huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nhưng địa phương này không ghi nhận có dịch bệnh bạch hầu.
Hiện bệnh nhân M. vẫn đang được cách ly, điều trị tại khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh trong tình trạng không còn sốt, có ho nhẹ, họng có giả mạc.
Gần 30 người được xác định có tiếp xúc gần với bệnh nhân M. đang được theo dõi và lấy mẫu bệnh phẩm kiểm tra. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh bạch hầu đối với bệnh nhân H. đến từ đâu.