| Hotline: 0983.970.780

Bệnh tay chân miệng - Hiểu đúng để chăm sóc và điều trị

Thứ Bảy 10/04/2021 , 08:37 (GMT+7)

Trong 3 tháng đầu năm 2021, bệnh tay chân miệng tăng nhanh ở nhiều tỉnh/thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số trẻ đã có biến chứng nặng.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa).

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa).

Tay chân miệng đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm trên cả nước, tuy nhiên số ca mắc bệnh thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.

Tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.

Nhận biết triệu chứng bệnh

Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc điều trị được thuận lợi, hạn chế những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá muộn. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…).

Trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần đi khám để bác sĩ chỉ định điều trị. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi chăm sóc tại nhà, nếu thấy con có một trong những biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ quấy khóc nhiều (dỗ không nín), quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều người cho rằng trẻ khóc vì các nốt đau miệng, nhưng thực tế không phải vậy, đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon.

Giật mình, hốt hoảng, thất thần: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện biểu hiện này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Ngoài ra, khi trẻ có một số biểu hiện khác như: yếu tay yếu chân, đi đứng loạng choạng, nổi mụn đỏ, thở khó, thở mệt, mạch nhanh, huyết áp cao, đảo mắt bất thường, nôn ói nhiều cũng phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay.

 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh. Ảnh: Đức Anh

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh. Ảnh: Đức Anh

Phòng ngừa bệnh thế nào?

Cho đến nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin dự phòng. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh đồ dùng là biện pháp phòng bệnh chủ yếu. Cần giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Cần theo dõi sát tình trạng bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời nếu có những diễn biến bất thường. Ảnh minh họa

Cần theo dõi sát tình trạng bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời nếu có những diễn biến bất thường. Ảnh minh họa

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà

Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà sau khi đã được bác sĩ khám và kê đơn thuốc. Cụ thể:

Dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Dùng muỗng mềm cho ăn; không cho ngậm vú nhựa; không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị mạnh.

Thuốc: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho trẻ nếu sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, nước muối loãng. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

Lưu ý: Không nên lạm dụng truyền dịch cho trẻ. Biện pháp này chỉ áp dụng khi trẻ có những biểu hiện mất nước nặng như: nôn nhiều, tiêu chảy, sốt cao và phải theo chỉ định của bác sĩ.

Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh.

Sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ngay. Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch bằng xà phòng và nước sạch.

Vật dụng cá nhân của trẻ nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virus có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.

Bình luận mới nhất