| Hotline: 0983.970.780

Bệnh tay chân miệng lan rộng, hơn 10 ngàn trường hợp mắc

Thứ Ba 14/07/2020 , 16:07 (GMT+7)

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca mắc, tử vong.

Khi trẻ có các biểu hiện sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khi trẻ có các biểu hiện sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%, tuy vậy một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Đơn cử như tại TP.HCM, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, trong tuần cuối tháng 6/2020, ghi nhận 72 phường xã có ca mắc bệnh tay chân miệng thì sang tuần đầu của tháng 7/2020 con số này là 97, tăng 25 phường xã.

“Trung bình khoảng 1,5 trường hợp ở mỗi phường xã trong tuần đầu tháng 7”, bác sĩ Nga cho biết.

Cũng theo bác sĩ Nga, hàng năm, bệnh tay chân miệng tăng nhẹ vào khoảng tháng 4 và tăng mạnh hơn trong tháng 8, tháng 9. Năm 2020, do đại dịch Covid-19, các biện pháp được khuyến khích như rửa tay, đeo khẩu trang, dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, tay chân miệng, sởi, cúm…

Chính vì vậy, đã góp phần làm giảm bệnh tay chân miệng trong tháng 3 năm nay. Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi giải trí mở cửa trở lại, nguy cơ gia tăng bệnh tay chân miệng là điều được các chuyên gia bệnh truyền nhiễm dự báo trong những tuần sắp tới.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nga, nếu cộng đồng vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp dự phòng không dùng thuốc, đặc biệt là “rửa tay thường xuyên bằng xà phòng” thì chúng ta vẫn có thể kiểm soát được bệnh, không để lây lan thành dịch.

Cũng theo các chuyên gia, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra, phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh như hạ nhiệt, bổ sung đủ nước, bổ sung vitamin C, kẽm…

Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch phía trong miệng trước và sau khi ăn. Có thể dùng gel rơ miệng để sát khuẩn và giảm đau cho trẻ.

Tuy nhiên, để tránh những biến chứng có thể xảy ra, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh tay chân miệng thế nào?

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống, ăn chín uống chín; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức.

  • Tags:
Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.