| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/08/2016 , 08:26 (GMT+7)

08:26 - 01/08/2016

Bệnh viện coi giấy tờ, thủ tục hành chính... hơn mạng người

Đến phòng cấp cứu, khi thấy các y, bác sỹ ở đó yêu cầu phải làm các thủ tục nhập viện xong thì mới nhận người, trong khi tình trạng của con mình rất nguy cấp, vợ chồng anh Danh đã khóc lóc, van nà...

Vào khoảng 7 giờ ngày 29/7, vợ chồng anh Nguyễn Công Danh (khóm Xuân Hòa, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đưa hai con là Nguyễn Văn Hậu (11 tháng tuổi) và Nguyễn Thị Cẩm Loan (2 tuổi) đến bệnh viện đa khoa Tịnh Biên cấp cứu, trong tình trạng bé Hậu liên tục nôn ói, mệt và khát nước. Còn bé Loan thì sốt rất cao.

Đến phòng cấp cứu, khi thấy các y, bác sỹ ở đó yêu cầu phải làm các thủ tục nhập viện xong thì mới nhận người, trong khi tình trạng của con mình rất nguy cấp, vợ chồng anh Danh đã khóc lóc, van nài: “Các anh các chị ơi. Hãy cấp cứu cho con tôi trước. Còn thủ tục thì chúng tôi sẽ làm sau”. Nhưng mặc anh van nài, những người trực tại phòng cấp cứu vẫn kiên quyết yêu cầu anh phải làm đủ các thủ tục nhập viện thì mới nhận bệnh nhân.

Không còn cách nào khác, anh Danh đành phải đi làm thủ tục, trong khi bé Hậu thì cứ yếu dần, lả dần. Đến khi làm xong thủ tục, và đóng xong tiền, các bác sỹ mới nhận cháu Hậu vào cấp cứu, thì cháu đã không còn nữa.

Thông tin trên được báo Tuổi Trẻ đưa lên, đã khiến cả xã hội nổi giận. Không ai có thể tin nổi tại sao lại có những “từ mẫu” vô cảm, lạnh lùng đến thế, trước hoàn cảnh thập tử nhất sinh của một con người, hơn thế nữa, đó lại là một sinh linh bé nhỏ, chỉ mới 11 tháng tuổi. Nhưng, đó vẫn là sự thật.

Phòng cấp cứu của các bệnh viện được lập ra, với chức năng là cứu kịp thời những trường hợp nguy cấp, đang cận kề cái chết. Với những trường hợp đó, thì bệnh nhân được đưa đến là phải được đón nhận, cứu chữa ngay lập tức, không cần bất cứ một thứ thủ tục, giấy tờ nào hết. Chỉ sau khi bệnh nhân được cứu chữa đã tạm thời ổn định, thì mới cần đến những giấy tờ, để làm tiếp những thủ tục đưa đến các khoa, tùy theo từng loại bệnh, để điều trị tiếp cho đến khi bệnh khỏi hẳn.

Không hiểu sao bệnh viện đa khoa huyện Tịnh Biên lại có cách hành xử ngược đời đến thế. Họ đã coi giấy tờ, thủ tục cao hơn mạng người, bất chấp những tiếng khóc, những lời van nài của người nhà bệnh nhân, đến nỗi xảy ra chuyện vô cùng đau lòng, là khi làm xong thủ tục nhập viện thì bệnh nhân vừa chết.

Nhưng, dư luận lại càng bức xúc, giận dữ hơn trước những câu trả lời của ông Dương Hoàng Dũng, giám đốc Bệnh viện đa khoa Tịnh Biên với báo chí. Những là: “Nhân viên y tế đã làm hết trách nhiệm, chỉ có thiếu sót là không nhận định được bệnh nặng hay nhẹ, nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc”, những là: “Ông Danh cũng hài lòng với bệnh viện thôi. Ông chỉ bức xúc lúc đầu...”, và cuối cùng thì cái điệp khúc “rút kinh nghiệm”, lại được cất lên.

Là bác sỹ mà không phân biệt được bệnh nhân nặng hay nhẹ, thì làm bác sỹ làm gì? Bác sỹ đó học trường nào vậy? Có người cha nào mà khi con mình chết tức tưởi, oan ức vì sự vô cảm của y, bác sỹ như vậy, lại “hài lòng” với bệnh viện không? Dám nói những câu như thế, thì ông giám đốc bệnh viện chỉ có thể là hạng người mà dân gian gọi là “Mặt nạc đóm dầy/ Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn” thôi.

Bình luận mới nhất