| Hotline: 0983.970.780

Bị 'phanh phui' bán chuông cổ, ông Giám đốc chống chế bất nhất

Thứ Hai 06/04/2020 , 09:15 (GMT+7)

Nội dung làm việc với báo chí ông nói 1 đằng, báo cáo ông gửi các cơ quan chức năng huyện Tuy Phước (Bình Định) ông trình bày 1 nẻo.

Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tuy Phước, cơ quan ông Võ Tuấn Khanh đang giữ cương vụ giám đốc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tuy Phước, cơ quan ông Võ Tuấn Khanh đang giữ cương vụ giám đốc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau khi Báo NNVN đăng bài: “Chuông cổ bị Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện bán đồng nát” (số ra ngày 2/4/2020), ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tuy Phước- Bình Định, người bán chiếc chuông nói trên đã có bản báo cáo vụ việc gửi đến Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phước và lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước.

Trong báo cáo ông Khanh trình bày: "Vào tháng 5/2019, để chuẩn bị cho việc sửa chữa hội trường Nhà Văn hóa huyện Tuy Phước để phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện, tôi và bộ phận kế toán đã kiểm tra thực tế các trang thiết bị, dụng cụ đang để phía sau sân khấu hội trường, kể cả phòng kho tạm và cho ý kiến dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ những vật dụng hư hỏng, bán phế liệu sắt vụn trong đó có chiếc chuông đồng.

Sau khi bán các vật dụng trên với tổng số tiền là 6 triệu đồng, trong đó chiếc chuông đồng là 2,5 triệu đồng, kế toán đã làm phiếu thu ngày 30/6/2019 và thủ quỹ đã nhập số tiền trên vào quỹ cơ quan".

Trong báo cáo ông Khanh còn nêu: Bị đuổi việc sau khi thông báo mất chuông theo bài báo là không đúng sự thật. Ông lớn tuổi và con ông không cho làm nữa nên ông xin nghỉ, cơ quan kiếm người khác.

Như vậy là ông tự giác xin nghỉ chứ không phải “bị đuổi việc” và không liên quan gì đến chuyện “thông báo mất chuông”.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV NNVN vào sáng 30/3, nói về lí do nghỉ việc của ông Phạm Văn Long, người từng làm nhiệm vụ bảo vệ và thủ kho của Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tuy Phước, ông Võ Tuấn Khanh nói: “Khi ấy ông Long làm việc theo hợp đồng, ngoài biên chế của cơ quan, trong quá trình bảo vệ không đảm bảo mới cho ổng nghỉ” (trích nguyên văn ghi âm).

Còn việc ông Khanh trình bày trong báo cáo rằng: “Sau khi bán các vật dụng trên với tổng số tiền là 6 triệu đồng, trong đó chiếc chuông đồng là 2,5 triệu đồng, kế toán đã làm phiếu thu ngày 30/6/2019 và thủ quỹ đã nhập số tiền trên vào quỹ cơ quan” thì cũng rất vênh với nội dung ông làm việc với báo chí.

Cụ thể: Khi được hỏi: “Chiếc chuông được bán khi nào?”, ông Khanh trả lời: “Vào năm 2010 hay 2011 gì đó”.

Hỏi: “Khi bán chiếc chuông nhập tiền vào quỹ cơ quan có chứng từ gì không?”, ông Khanh trả lời: “Lúc đó dọn kho để sửa chữa, mới dọn hết ra, cái chuông mới đem vô phòng tui đây, để cũng lâu, khoảng mấy tháng. Sau đó, nhân bán sắt phế liệu thống nhất bán luôn chiếc chuông, rồi nhập tiền vào quỹ luôn chứ không biên lai gì. Nói chung là chỉ 1 triệu mấy, chưa tới 2 triệu bạc, đâu có nhiều, hồi đó cân ký bán đồng…”. (trích nguyên văn ghi âm).

Ấy vậy mà bây giờ ông Khanh trình bày với các cơ quan chức năng huyện Tuy Phước là ông bán chiếc chuông với giá 2,5 triệu đồng.

Cùng với đơn trình bày, ông Khanh còn đính kèm theo phiếu thu của kế toán Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện Tuy Phước đề ngày 30/6/2019.

Trong khi trước đó, ông Khanh đã xác nhận với PV NNVN là ông bán chiếc chuông vào năm 2010 – 2011 và không có chứng từ gì mà nhập tiền thẳng vào quỹ, vậy thì bây giờ phiếu thu ở đâu ra? Lại nữa, bán tài sản của Nhà nước từ năm 2010 – 2011 mà đến tháng 6/2019 mới lập phiếu thu thì có đúng với quy định tài chính hiện hành không?

Cuối bản báo cáo ông Võ Tuấn Khanh còn nêu: “Hiện nay tôi đã thu hồi lại chiếc chuông đồng đã bán, chủ cơ sở đúc đồng đã sửa chữa lại các chỗ móp, méo”.

Chiếc chuông đã bị ông Khanh bán cách đây cả chục năm giờ được “thu hồi” không biết có phải là hiện vật cũ hay không, điều này cần phải được xác minh thêm!

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.