| Hotline: 0983.970.780

Chuông cổ bị Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện bán đồng nát

Thứ Năm 02/04/2020 , 08:27 (GMT+7)

Vì sợ trách nhiệm, trước khi thôi làm bảo vệ kiêm thủ kho cơ quan văn hóa huyện, ông Long tố cáo Giám đốc đã tự ý bán chiếc chuông cổ đang lưu kho.

Ông Phạm Đình Long bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Phạm Đình Long bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mất ngủ vì sợ… trách nhiệm

Đến đời ông Võ Tuấn Khanh ngồi vào vị trí Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định), ông Phạm Văn Long làm công việc bảo vệ kiêm thủ kho cơ quan này đã qua 3 đời giám đốc.

Suốt hàng chục năm là bảo vệ kiêm thủ kho, ông Long biết rất rõ là trong kho của cơ quan có lưu giữ 1 chiếc chuông được làm bằng chất liệu đồng, chiếc chuông này có mặt trong kho của cơ quan từ những năm đầu giải phóng.

Theo mô tả của ông Long, chiếc chuông có chiều cao khoảng gần 1m, đường kính khoảng 40cm. Điều đặc biệt là chiếc chuông trải qua thời gian dài nằm lăn lóc trong góc kho, không được bảo quản tốt, nhưng nó không hề gỉ sét và khi gõ vào tiếng vang rất thanh, chung quanh mặt chuông có nhiều chữ Hán khắc nổi.

Dù không am hiểu lắm về cổ vật, nhưng căn cứ vào thời gian chiếc chuông có mặt trong kho của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tuy Phước, chưa kể thời điểm nó ra đời, ông Long khẳng định chiếc chuông này là vật quý nên ông có ý thức bảo vệ rất cao.

Trong kho Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tuy Phước chứa “hùm bà lằn” muôn thứ đồ, nhưng mỗi khi mở kho là ông Long liền để mắt đến chiếc chuông xem thử nó còn không.

Ấy vậy mà cách đây khoảng 3 năm, ông Long phát hiện chiếc chuông bị mất và ông khẳng định người bán chiếc chuông không ai khác là người đứng đầu cơ quan.

Những ngày sau đó ông Long mất ngủ nhiều đêm liền vì vừa sợ trách nhiệm, vừa “khó ăn khó nói” vì người bán lại là ông giám đốc, cuối cùng ông quyết định “huỵch toẹt” mọi việc trước cơ quan.

Ông Long kể: “Một hôm, ông Võ Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện bảo tôi đưa cho ông chìa khóa kho để ông kiểm tra. Sếp lệnh là tôi phải đưa. Ông ấy mở kho kiểm tra gì không biết, nhưng khi ông đưa trả chìa khóa lại cho tôi, tôi kiểm tra kho thì phát hiện chiếc chuông đã “không cánh mà bay”.

Ngay sau đó tôi có hỏi ông Khanh vì sao trước khi tôi đưa chìa khóa kho cho ông chiếc chuông vẫn còn, nhưng ngay sau khi ông giao lại chìa khóa thì chiếc chuông đã mất. Lúc ấy không Khanh không trả lời. Vài hôm sau tôi vào dọn vệ sinh phòng giám đốc thì thấy chiếc chuông đã được bỏ trong bao, để trong góc phòng ông Khanh, sau đó chiếc chuông mất tích”.

Thời gian sau đó, vì sợ trách nhiệm, ông Long công khai với gần 20 cán bộ trong cơ quan về lý do chiếc chuông bị mất. Thế rồi vì lý do “không đảm bảo công việc”, ông Long bị ông Khanh cho nghỉ việc.

Tuy không còn liên quan gì với cơ quan cũ, thế nhưng với tinh thần trách nhiệm, cuối tuần qua ông Long gửi đến PV NNVN thường trú tại Bình Định lá đơn tố cáo vụ việc trên.

Mò kim đáy bể

Sáng 30/3, PV Báo NNVN có buổi làm việc với ông Võ Tuấn Khanh nhằm xác minh thông tin ông Long cung cấp.

Ông Khanh xác nhận những thông tin trên là có, và ông Khanh cho rằng mình bán thanh lý chiếc chuông nói trên theo giá đồng nát vì lý do “nó làm chật kho”.

Khi chúng tôi muốn xem chứng từ bán thanh lý chiếc chuông thì ông Khanh bảo là không có chứng từ gì, cứ bán rồi nhập tiền vào quỹ cơ quan.

Chúng tôi lại muốn xem chứng từ khi nhập số tiền bán chuông vào quỹ cơ quan thì ông Khanh lại nói cũng không chứng từ gì, cứ đưa tiền cho thủ quỹ giữ.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tuy Phước: “1 cây kim sợi chỉ” mà đã là tài sản Nhà nước muốn hủy hoặc thanh lý phải xin phép cấp thẩm quyền”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tuy Phước: “1 cây kim sợi chỉ” mà đã là tài sản Nhà nước muốn hủy hoặc thanh lý phải xin phép cấp thẩm quyền”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để tìm hiểu về “lai lịch” của chiếc chuông, chúng tôi tìm về thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn tìm gặp ông Huỳnh Văn Hạnh, người chuyển giao vị trí Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tuy Phước cho ông Võ Tuấn Khanh, chúng tôi được ông Hạnh cho biết khi ông bàn giao công việc cho ông Khanh vào tháng 12/2016 thì chiếc chuông vẫn còn trong kho.

Ông Hạnh nhớ lại, chiếc chuông nói trên là của 1 nhà chùa nào đó trên địa bàn được đưa về kho của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Tuy Phước từ những năm đầu giải phóng.

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng thẩm định về niên đại, nhưng khi đã nhập kho là thuộc sở hữu của Nhà nước, hàng năm đều được ngành chức năng kiểm kê.

“Chuyện ông Khanh bán chiếc chuông tôi có nghe ông Long bảo vệ bức xúc kể lại. Nếu ông Khanh bán chiếc chuông mà không xin phép cấp thẩm quyền là sai, bởi “1 cây kim sợi chỉ” mà đã là tài sản của Nhà nước trước khi muốn hủy hoặc thanh lý phải xin phép cấp thẩm quyền”, ông Hạnh khẳng định.

Sư Thích Đồng Tuệ với quả chuông từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh là

Sư Thích Đồng Tuệ với quả chuông từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh là "báu vật" của chùa Linh Sơn nằm trên địa bàn xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Ảnh minh họa: Vũ Đình Thung. 

Quay lại câu chuyện giữa chúng tôi với ông Võ Tuấn Khanh, khi chúng tôi hỏi: “Ông bán chiếc chuông với giá đồng nát khi chưa thẩm định giá trị của nó, trong khi theo ông Long thì đó là chiếc chuông cổ có giá trị rất cao, ông có thấy mình sai lầm không?”.

Ông Khanh thừa nhận: “Bây giờ nghe anh phân tích tôi mới thấy rằng mình sai lầm”. “Về sai lầm này ông định khắc phục bằng cách nào?”, tôi hỏi. Ông Khanh nói: “Tôi bán cho 1 cơ sở đúc đồng ở Đập Đá (TX An Nhơn), tôi sẽ lên gặp chủ cơ sở và thu hồi lại chiếc chuông”. 

Mặc dù ông Khanh nói rất quyết tâm, nhưng chúng tôi nghĩ việc này là “mò kim đáy bể”, bởi đã nhiều năm trôi qua liệu chiếc chuông kia có còn để thu hồi không, đó là chưa kể nếu chiếc chuông đó là hiện vật cổ thì chỉ có điên người mua mới trả lại!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.