| Hotline: 0983.970.780

Biến chất thải chăn nuôi thành phân bón

Thứ Ba 10/10/2017 , 13:55 (GMT+7)

Cục Chăn nuôi vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương (LCASP) tổ chức hội thảo "Đánh giá công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô trang trại".

Hội nghị diễn ra tại Phú Thọ, có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực chăn nuôi tại 25 tỉnh, thành phía Bắc.

08-49-03_dsc_0207
Sử dụng máy tách phân để thu gom nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh tại tỉnh Phú Thọ

Theo ông Đường Công Hoàn, Phó trưởng phòng Môi trường chăn nuôi (Cục Chăn nuôi), mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 79 triệu tấn phân và 56 triệu tấn nước tiểu. Đồng thời, hàng năm chăn nuôi còn thải ra môi trường khoảng vài trăm triệu tấn khí, chủ yếu gồm CO2, NH3, CH4, H2S... thuộc nhóm khí gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động hô hấp và tiêu hoá của vật nuôi, ủ phân, chế biến thức ăn chăn nuôi.

Nếu ứng dụng các công nghệ để sản xuất phân hữu cơ từ phân chuồng, ngành chăn nuôi có thể thu về hàng trăm triệu USD từ nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường này.

Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số loại máy ép phân gia súc. Chức năng chủ yếu của máy là tách chất thải rắn từ hỗn hợp chất thải chăn nuôi, đặc biệt là chất thải chăn nuôi lợn. Nhờ quá trình tách này, việc xử lý riêng biệt chất thải rắn và chất thải lỏng sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Trang trại chăn nuôi của Cty C.P tại thôn Quyết Tiến, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nằm trong khuôn viên diện tích 5ha với tổng đàn lợn đang nuôi khoảng 1.000 lợn thịt. Số lợn này thải hàng ngày khoảng 1,5 tấn chất thải rắn và 20m3 chất thải lỏng. Cty đã sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng công trình bể biogas làm bằng HDPE có tổng thể tính là 1.553m3. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động việc xử lý chất thải chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do nước thải sau công trình biogas chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, tốn nhiều chi phí cho việc xử lý bãi thải, nước thải.

Nhờ đầu tư vận hành máy ép phân mà trang trại này đã giải quyết cơ bản vấn đề chất thải chăn nuôi. Ưu điểm của máy ép phân là giúp chống quá tải bể biogas, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước xả, tận thu nguồn phân để làm phân bón hữu cơ hoặc phân vi sinh cho cây trồng và tạo khí gas sử dụng trong trang trại cho chạy máy phát điện, đun, thắp sáng hoặc úm lợn.

Hiện nay, do nhu cầu cao của xã hội đối với rau an toàn, rau hữu cơ nên các sản phẩm phân bón hữu cơ và phân vi sinh có nguyên liệu chủ yếu từ chất thải rắn trong chăn nuôi lợn đã qua xử lý ngày càng được nhiều người mua về sử dụng.

TS Nguyễn Thế Hinh, Giám đốc BQL Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương chia sẻ: "Nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở Việt Nam là do sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh và làm mát cho gia súc dẫn đến chất thải lỏng khó thu gom, dẫn đến việc xả ra môi trường. Các nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã khẳng định, sử dụng nước thải sau hầm biogas tưới cho cây trồng rất tốt, cây sinh trưởng khoẻ, cho năng suất, chất lượng cao và giảm chi phí đầu tư cho phân bón hữu cơ.

Các trang trại chăn nuôi cần phải có diện tích trồng trọt hoặc liên kết với các trang trại trồng trọt lân cận để sử dụng hết nước thải chăn nuôi/nước thải sau biogas cho tưới vườn.

Tuy nhiên, mỗi loại cây trồng cần một hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Do đó, cần phải tính toán thụ thể về tần suất tưới, lượng nước sử dụng cho mỗi lần tưới và mức độ hoà loãng khi tưới, đảm bảo cho cây trồng không bị chết".

Cũng theo TS Nguyễn Thế Hinh, các trang trại cần xây lắp hệ thống máy ép phân để tách bớt chất thải rắn từ phân lỏng đưa sang bể ủ phân compost nhằm sản xuất phân bón hữu cơ nguyên liệu, phần nước thải lỏng còn lại đưa xuống hầm biogas để giảm tải cho việc phân huỷ chất hữu cơ từ phân lợn.

Còn theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi: "Hiện nay, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh từ phân chuồng có rất nhiều. Tuy nhiên, việc thương mại hoá phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh sản xuất từ phân thải vật nuôi rất khó khăn, bởi các cơ quan chức năng chưa xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn phân bón hữu cơ".

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.