Theo thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, năm 2020 khi định hướng phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Tháp mời rất nhiều chuyên gia đến để tư vấn. Trong mấy chục dự án đề ra, có một yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng được bản đồ thổ nhưỡng để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Sau đó tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ một dự án cấp nhà nước về xây dựng bản đồ thổ nhưỡng trị giá 11,3 tỷ đồng. Mặc dù kinh phí không nhiều nhưng Viện đã thực hiện điều tra, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho tỉnh Đồng Tháp chi tiết đến từng xã với tỷ lệ 1/10.000, sau đó cấp huyện là 1/25.000. Tổng số có 137 xã của 12 huyện, thị được làm bản đồ thổ nhưỡng như vậy.
“Trên cơ sở đánh giá 7 chỉ tiêu như hữu cơ, đạm, lân, kali… cho thấy hầu hết đất của Đồng Tháp từ trung bình đến giàu nhưng có vấn đề là mất cân đối, chẳng hạn như hàm lượng carbon hữu cơ, hàm lượng đạm rất cao. Tuy chưa cao đến ngưỡng ảnh hưởng đến cây trồng kiểu như làm lúa không ra bông nhưng chúng tôi vẫn phải khuyến cáo Đồng Tháp nên giảm lượng phân bón. Những kết quả xây dựng tư liệu của chúng tôi về chất lượng đất sẽ là tiền đề cho các nghiên cứu về đề xuất sử dụng phân bón cho từng cây trồng.
Hầu hết đất vùng trồng lúa ở Đồng Tháp có hàm lượng dinh dưỡng bất cân đối do cách bón phân. Bà con từ xưa đến giờ đều nghe theo khuyến cáo của các công ty phân bón. Chính vì dinh dưỡng mất cân đối nên cây trồng phát sinh nhiều sâu bệnh nhưng bây giờ về bảo vệ thực vật thì sẵn thuốc lắm. Có năm nào nông dân không phải phun thuốc bảo vệ thực vật đâu. Mà không như thế thì doanh nghiệp thuốc bảo vệ vật thực vật sẽ bị đói vì thiếu doanh thu. Còn các vùng trồng cây quả của Đồng Tháp thì ít bị hiện tượng như vùng đất lúa. Từ đánh giá chung về chất lượng đất, chúng tôi có thể chỉ ra vùng này lợi thế như này, như thế kia. Từ những điều tra cơ bản ban đầu như này, sẽ xác định để nghiên cứu chi tiết hơn”, ông Cường thông tin.
Tại Hà Nam, theo Nghị định 35 về đất lúa, tỉnh có đặt vấn đề triển khai đề tài phân tích chất lượng đất, đặc tính lý, hóa để xác định các vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao. Đề tài này có kinh phí 24 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 đến 2020. Kết quả cho thấy hầu hết đất ở Hà Nam có độ phì từ trung bình đến cao. Hà Nam đại diện cho đồng bằng sông Hồng, còn Đồng Tháp đại diện cho đồng bằng sông Cửu Long, đất có sự khác biệt rất lớn. Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết là thành phần cơ giới đất nặng, sét nhiều, còn đồng bằng sông Hồng thành phần cơ giới trung bình.
“Hà Nam có hiện tượng hàm lượng hữu cơ trong đất bị suy giảm. Ngày xưa đi đào phẫu diện đất thì bao giờ chúng tôi cũng mô tả có tầng hữu cơ đang phân hủy nhưng bây giờ không có tầng đấy nữa bởi nông dân không bón phân chuồng, không vùi rơm rạ. Các vùng đất của Hà Nam có liên quan đến vùng thải của các khu công nghiệp thì hầu hết cây trồng phát triển kém, bởi thế cần phải có vùng đệm”.
TS Nguyễn Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, từ bộ dữ liệu đánh giá đất đai, bao gồm cả số liệu phân tích đất, nếu đưa ra khuyến cáo về quản lý dinh dưỡng cây trồng cho một vùng, một tỉnh, hoặc một địa bàn lớn thì chỉ dừng lại ở mức quản lý dinh dưỡng đại cương. Lý do, mọi thứ đều vận động (tính chất đất thay đổi theo không/thời gian, hiện trạng cây trồng thay đổi…) nên không thể đưa ra một kịch bản đầy đủ cho những thay đổi mà chưa lường trước được, khả năng ứng dụng trong sản xuất bị hạn chế.
Cũng từ bộ dữ liệu đánh giá đất đai này, tại một địa điểm cụ thể, thời gian cụ thể, cây trồng cụ thể sẽ có thể khuyến cáo quản lý dinh dưỡng chuyên sâu. Muốn thế phải có một giao thức giữa người tư vấn (chuyên gia, nhà khoa học…) và người trồng trọt. Hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến là một ví dụ cho giao thức này. Qua hệ thống này, người trồng trọt cung cấp địa điểm cụ thể, cây trồng cụ thể, vấn đề đang phát sinh hiện tại… Người tư vấn truy cập vào cơ sở dữ liệu, xem xét dữ liệu nền và dựa vào thực trạng người trồng trọt cung cấp để có khuyến cáo phù hợp. Nếu phát triển được hệ thống như thế, việc ứng dụng bộ dữ liệu sẽ trở nên sống động và đến được với từng người trồng trọt.