'Biển' đá vùi lấp hơn 50ha đồng ruộng, hoa màu
Thứ Sáu 27/12/2024 , 09:57 (GMT+7)Trong hơn 150ha diện tích bị vùi lấp dưới 'biển' đá mênh mông, có hơn 50ha ruộng bậc thang của bà con xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai.
Trên đường từ xã Y Tý về đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, có hơn 4km cuối cùng ngập chìm trong 'biển đá'. Đây là thung lũng Nà Lặc với cánh đồng cùng tên, nơi sản xuất lúa 2 vụ của bà con trong vùng. Sau bão số 3, hoàn lưu gây mưa và lũ trên các tỉnh miền núi phía Bắc, ở Trịnh Tường, lũ kéo theo hàng trăm ngàn m3 đá từ thượng nguồn đổ về, vùi lấp tất cả những gì có trên đường đi.
2 dòng nước đầu nguồn của suối Tùng Chỉn là ngọn nguồn của 'biển' đá phía hạ lưu. Nước cuốn theo đá từ 2 dòng nước này tràn vào suối, quét qua làng bản, ruộng đồng của bà con ở thôn Tùng Chỉn và vùi lấp tất cả. Hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão đi qua, hiện trường vụ lũ ở Trịnh Tường vẫn còn ngổn ngang, bề bộn.
Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, cụ Già Thị Thi, người dân xã Trịnh Tường cho biết, năm nay đã 75 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên bà chứng kiến một trận lũ kéo theo nhiều đá về đến vậy. "Trước đây cũng có, nhưng ít, không khủng khiếp thế này", cụ bà chia sẻ khi đang đứng giữa 'biển' đá mênh mông, nơi trước đây từng là đồng ruộng.
Từ đường mòn nối Y Tý với Trịnh Tường, phóng hết tầm mắt cũng không thể bao quát hết được 'biển' đá mênh mông này. Một màu trắng bạc bao phủ khắp nơi, cả một vùng nằm dưới lớp đá lổn nhổn chưa biết bao giờ mới có thể xử lý xong. Theo ước tính của chính quyền địa phương, tổng diện tích bị đất đá vùi lấp tại đây vào khoảng trên 150ha.
Với góc nhìn từ trên cao hàng trăm mét, 'biển' đá này chạy dài đến hàng kilomet, từ thượng nguồn đến lòng suối Tùng Chỉn rồi kéo dài ra đến tận đoạn đổ vào sông Hồng, sát tỉnh lộ 156. Sau khi lũ rút đi, hiện vẫn còn một vài dòng nước nhỏ chạy ngoằn ngoèo, len lỏi qua 'biển' đá mênh mông để đổ ra sông Hồng.
Trong số tổng diện tích hơn 150ha bị đá vùi lấp, có khoảng hơn 50ha là ruộng bậc thang trồng lúa và hoa màu của bà con xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Hiện tại, diện tích đất trồng lúa nước 2 vụ không thể khôi phục được 50,4ha, diện tích có thể khôi phục, chỉ vỏn vẹn 5,2ha.
Từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy vết tích còn lại của ruộng bậc thang ở những nơi có địa thế cao, chỉ bị đá tràn qua một phần, vẫn còn bờ ruộng lộ ra. Trong khi đó, ở những khu vực lòng suối sâu, chiều dày của lớp đất đá vùi lấp có thể lên đến 7 m. Cánh đồng Nà Lặc trong thung lũng rộng lớn từng xanh tươi, trù phú nay chỉ còn một màu xám trắng của đá.
Trong cơn lũ, hàng chục ngôi nhà kiên cố của người dân xã Trịnh Tường nằm dọc đường đi, ven suối đã bị dòng đá phá hủy. Rất may mắn là lũ xảy ra ban ngày và cùng với quyết định di tản kịp thời của chính quyền và bà con, không có thiệt hại về người.
Một khu nhà bị cơn lũ đá đánh bay, chỉ còn sót lại vài bức tường nằm phía xa dòng nước. Vết tích còn lại là những hòn đá to nhỏ đủ kích cỡ nằm chỏng chơ bên lòng suối. Thống kê cho thấy, có 232 hộ với 621 nhân khẩu bị ảnh hưởng trong trận lũ này và số hộ mất ruộng hoàn toàn 113 hộ.
Một nhà kho chứa vật liệu xây dựng trước đây bây giờ được lấp đầy bởi đá, những song thép kiên cố cũng bị dòng đá bẻ cong, đập bung ra khỏi kết cấu. Những thiệt hại về kinh tế của cơn lũ này đối với xã Trịnh Tường nói riêng và huyện Bát Xát nói chung là vô cùng lớn. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hơn 50ha diện tích canh tác không thể phục hồi.
Hiện nay, một số hộ dân vẫn phải sinh sống trong những ngôi nhà còn trụ lại được sau cơn lũ do ở nơi có vị trí cao, tuy nhiên sinh hoạt rất khó khăn do gần như bị cô lập trong 'biển' đá mênh mông. Hiện nay, một con đường tạm đã được san gạt làm lối đi cho người dân có thể ra vào nhà và di chuyển lên phía thượng nguồn suối Tùng Chỉn.
Để mưu sinh, hiện nay nhiều người dân phải đi vào giữa 'biển' đá này, tìm những thân cây bị nước cuốn theo bị mắc lại để lấy gỗ đem bán. Trong ảnh, cụ Già Thị Thi, 75 tuổi vẫn bổ những nhát rìu mạnh mẽ vào thân cây khô để kiếm củi đem bán. Tuy thiên tai đã đi qua hơn 3 tháng nhưng di chuyển trong khu vực này vẫn tiềm ẩn rủi ro như đá lật, sạt ở những khu vực gần dòng nước.
Một gia đình người dân tộc bản địa cùng nhau vào giữa 'biển' đá tìm củi. Để giúp bà con vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã nhất trí phương án chi hỗ trợ 20 triệu đồng/ha đối với những diện tích đất lúa không thể khôi phục.
Diện tích canh tác lớn bị xóa sổ, nhiều công trình thủy lợi trên cánh đồng Nà Lặc cũng bị phá hủy sau cơn lũ đá. Đến nay, vấn đề lớn nhất là đảm bảo sinh kế cho những người dân bị ảnh hưởng trong khi quỹ đất canh tác trong khu vực rất khó bố trí. Một trong những phương án được chính quyền xã Trịnh Tường đưa ra là đào tạo bà con về kỹ thuật canh tác ngắn ngày, sau đó sẽ triển khai sản xuất trên khu vực đất đồi thay vì trồng lúa, hoa màu như trước đây.
tin liên quan
Trại gà Móng 7.000 con, đặc sản trứ danh của Hà Nam
Gà làng Móng hay còn gọi là gà Móng cùng với cá kho làng Vũ Đại là những đặc sản trứ danh của tỉnh Hà Nam.
Bình minh trên những đầm rươi
Khi mặt trời ló rạng, nước bên trong đầm dần rút đi để lộ ra những lỗ nhỏ chi chít trên mặt bùn, đó chính là lỗ rươi.
Đào rừng cổ thụ giá hàng chục triệu đồng xuống phố
Hà Tĩnh Những gốc đào rừng tuổi đời hàng chục năm vừa được hạ sơn, đem về thành phố Hà Tĩnh phục vụ khách hàng chơi Tết. Giá bán trung bình từ 10 đến 60 triệu đồng/gốc.
Mộc Châu chính thức trở thành thị xã, ngày hội lớn của người dân Sơn La
Với nhiều thành quả xuất sắc, Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV và khu vực dự kiến thành lập phường đủ điều kiện hạ tầng đô thị theo quy định.
Thương lái săn lùng gà ‘thái giám’
Thời điểm này, các thương lái từ khắp nơi đổ về thị xã Sơn Tây thu mua gà phục vụ thị trường Tết. Gà 'thái giám' có giá đắt đỏ được tiểu thương săn lùng.
Về làng cổ Bát Tràng, thưởng thức 'món ăn trăm tuổi'
Vào các dịp lễ, Tết, người Bát Tràng lúc nào cũng có 2 món đặc trưng là su hào xào mực và canh măng mực trên mâm cơm.