Tăng tự chủ của người dân, giảm sự trông chờ ỉ lại
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đã triển khai 07 hoạt động, vượt kế hoạch giao. Thông qua các hội chợ tại các vùng miền, có trên 140 loại hàng hóa là sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được tham gia tại hội chợ, kết nối tiêu thụ được 8 - 10 tấn sản phẩm các loại; hỗ trợ các HTX đưa 47 sản phẩm OCOP và nông sản địa phương lên sàn giao dịch điện tử, phiên livestream; 25 sản phẩm OCOP, 15 sản phẩm địa phương được đưa lên trang “Phiên chợ Khuyến nông”…
Sau hội chợ, các HTX được nâng cao năng lực, chủ động kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư nâng cấp mẫu mã, bao bì, đa dạng sản phẩm chất lượng. Đã có 10 HTX ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP lâu dài giữa các tỉnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản và mở rộng vùng sản xuất hàng hóa bền vững.
Năm 2024, đơn vị đã triển khai thực hiện được 15 mô hình, dự án. Các mô hình cơ bản bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển vùng sản xuất hàng hóa chủ lực như chè, chuối, dứa trái vụ, cây ăn quả ôn đới kết hợp du lịch, dâu tằm... Đặc biệt có sự đổi mới căn bản từ mô hình thuần kỹ thuật sang mô hình kinh tế nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ khâu đầu vào đến liên kết với các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, điển hình như mô hình chanh leo, cây ăn quả ôn đới, cải Kale… 100% mô hình thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ, thâm canh tăng năng suất từ 10 - 15% so sản xuất đại trà.
Hầu hết các mô hình không hỗ trợ giống mà vận động nhân dân đối ứng, tăng tính tự chủ, giảm sự trông chờ ỉ lại vào ngân sách nhà nước và vẫn mang lại hiệu quả cao, được nhân rộng.
Trong năm, Khuyến nông Lào Cai đã thực hiện tư vấn cho 5 HTX lập hồ sơ dự án cộng đồng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, hồ sơ đề án giảm nghèo của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ các HTX khôi phục sản xuất sau cơn bão số 3, hỗ trợ hoàn thành giải ngân thông qua hệ thống máy xay xát gạo trị giá 2 tỷ đồng (Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 1 tỷ đồng)… Triển khai hỗ trợ thành lập 57 tổ khuyến nông cộng đồng với 477 thành viên tham gia và thẩm định tiêu chí 13.5 theo đúng hướng dẫn. Chỉ đạo hoạt động hợp tác quốc tế, tham mưu đề xuất dự án hữu cơ với vùng Aquiten - Pháp; phối hợp với các đoàn tư vấn đánh giá dự án Great giai đoạn 2.
Kịp thời hỗ trợ khắc phục thiên tai
Năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với Đại học phân hiệu Thái Nguyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tổ chức đoàn thể tỉnh và các huyện tổ chức 38 lớp tập huấn, diễn đàn, hội thảo cho trên 1.200 nông dân tham gia.
Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ trong bão số 3, Trung tâm đã kêu gọi và phối hợp tiếp nhận từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Quỹ Thiện Tâm, Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương 1.000 lít hoá chất sát trùng chăn nuôi, 400kg chế phẩm sinh học chăn nuôi, B-complex 200kg, men vi sinh thuỷ sản 700kg, chế phẩm sinh học xử lý MT nước ao hồ 2500 lít; thuốc sát trùng Five – Iodinne 195 lít, thuốc sát trùng Five – BKG 390 lít, chế phẩm rắc chuồng Five – Prozyme 300kg, thuốc bổ trợ Five - B-complex 300kg và 8.000 tờ rơi các loại.
Tiếp nhận 300.000 cây giống dâu (10ha) từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Tiếp nhận từ các viện nghiên cứu 3,6 tấn khoai tây giống KT5, 2.500 cây giống táo; tiếp nhận từ một số doanh nghiệp 400 suất quà bằng hiện vật để hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất...
Khuyến nông cơ sở còn nhiều hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn như các mô hình khuyến nông đều mang tính thời vụ. Việc thẩm định, phê duyệt dự toán qua nhiều bước, thời gian kéo dài, trong khi giá vật tư biến động, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Chưa có nhiều mô hình theo chuỗi liên kết thật sự nổi bật, điển hình. Chưa xây dựng được đơn giá dịch vụ công lĩnh vực khuyến nông để thực hiện cơ chế đặt hàng nên khó khăn trong việc đề xuất một số mô hình mới như ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch hoặc các chuyên đề tập huấn kỹ năng quản trị điều hành, kết nối thị trường, chuyển đổi số.
Việc phối hợp với khuyến nông viên trên địa bàn triển khai các hoạt động khuyến nông ở cơ sở còn nhiều hạn chế do khuyến nông viên không còn thuộc hệ thống khuyến nông theo ngành dọc. Khuyến nông viên ngoài thực hiện nhiệm vụ khuyến nông còn thực hiện nhiều nhiệm vụ khác ở cơ sở theo chức năng nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.
Thúc đẩy nông nghiệp xanh
Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nông nghiệp xanh, nông nghiệp có trách nhiệm; tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Xây dựng 1 - 2 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị là điểm nhấn trong năm 2025. Mặt khác, duy trì hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tại các xã nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tiến tới giúp người dân nâng cao thu nhập.
Đẩy mạnh công tác truyền thông của ngành, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân tham gia sản xuất; gắn đào tạo nghề với chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thị trường và tạo việc làm sau đào tạo cho các hộ nông dân.
Tăng cường hoạt động dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, tổ nhóm, HTX, doanh nghiệp; lựa chọn 1 - 2 HTX hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả. Tranh thủ nguồn lực trong tỉnh và các tổ chức quốc tế NGO để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác chuyển đổi số trong các hoạt động khuyến nông để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Lào Cai đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của đơn vị; quản lý và xử lý 100% văn bản trên hệ điều hành office; thực hiện an toàn an ninh mạng, an toàn thông tin theo quy định. Tham dự khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số do Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức. Tham gia các cuộc thi trực tuyến do các cơ quan, tổ chức phát động, trong năm 2024 đã có 150 lượt tham gia dự thi.