Bất cập nảy sinh, lễ hội bị lạm dụng quá mức lập tức biến tướng theo bao nhiêu sắc thái dở khóc dở mếu. Nét đẹp lễ hội thuần túy biến mất, và không còn ai phân biệt được lễ hội cầu may, lễ hội cầu lợi, hay lễ hội mê tín?
Ảnh minh họa |
Không thể phủ nhận, lễ hội là một sản phẩm của đời sống gắn kết cộng đồng. Mảnh đất nào càng có bề sâu lịch sử, càng có những lễ hội đậm đà phong vị xứ sở. Địa phương biết cách khai thác giá trị đích thực của lễ hội, sẽ có được vị trí cạnh tranh mới trong quá trình xây dựng và phát triển. Không ít nơi nỗ lực gìn giữ vai trò của lễ hội một cách văn minh.
Ví dụ, tỉnh Bình Dương có lễ hội Chùa Bà ở thành phố Thủ Dầu Mội thu hút hàng triệu khách thập phương thăm viếng mỗi dịp Rằm Tháng Giêng, đã quyết định tiêu chí tổ chức “không đốt vàng mã, không xả rác, phát nhang miễn phí”. Thậm chí, khu vực xung quanh Chùa Bà còn cung cấp wifi miễn phí, nước uống miễn phí và bánh mì miễn phí, nhằm tạo không gian trong lành và thân thiện cho lễ hội.
Tuy nhiên, lễ hội hiện nay đã chịu tác động của những bộ óc kinh tế thị trường. Người ta xúng xính quần là áo lụa đi chùa cầu lộc để thỏa mãn lòng tham, mà không hề có chút ý niệm gì về tâm linh. Vứt tiền lẻ lên bệ thờ, dúi tiền lẻ vào tay Phật, hòng hối lộ thần thánh giúp mình mua may bán đắt ư? Phật từ bi che chở chúng sinh, nhưng Phật không thể đáp ứng thói hư tật xấu của bá tánh trăm miền. Kinh doanh chùa chiền đang là một xu hướng đáng báo động.
Ví dụ, Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ ở An Giang đã tăng giá vé lên gấp 9 lần và đặt 12 thùng công đức ở khắp các vị trí để nhận tiền của du khách. Không ai tin họ làm điều ấy vì niềm tin vào Phật pháp nhiệm màu. Tâm linh không phải món hàng để cò kè ngả giá và mua bán nhập nhèm một đồng vốn bốn đồng lãi. Với sự chen chúc và bát nháo ấy, đức hạnh bị giễu cợt mà kinh kệ cũng bị mỉa mai. Hương khói lòng thành sẽ bay về đâu, khi người ta nấp sau lưng Phập để mưu đồ những lợi ích thấp hèn?
Một thực trạng nữa không thể không đề cập là biểu hiện mê tín dị đoan đang bủa vây chùa chiền. Những cuộc cúng sao giải hạn kéo dài nhiều ngày, những mâm lễ vật hoành tráng ngất ngưởng, những bó nhang khổng lồ cháy rừng rực như đuốc ban ngày, có ý nghĩa gì cho sự bình an và sự thịnh vượng? Ngoài ra, các dịch vụ bói toán cũng tranh thủ ăn theo. Có không ít ngôi chùa nổi tiếng, mà ngay bái đường và chính điện đã có bàn xin xăm giải quẻ, còn mọi góc sân đều có… chiêm tinh gia mời gọi du khách đặt tiền xem chỉ tay, xem tử vi, xem tướng số. Nhu cầu kiếm ăn dựa hơi thần thánh khiến những Phật tử chân chính phải ngao ngán.