| Hotline: 0983.970.780

Bình Định tìm cách ứng phó với năm thiên tai khó đoán

Thứ Ba 09/07/2024 , 05:43 (GMT+7)

Để hạn chết thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được chính quyền các cấp ở Bình Định đặt lên làm nhiệm vụ hàng đầu…

Mỗi địa phương đều có phương án chi tiết

Huyện Tuy Phước, nơi được mệnh danh là “rốn lũ”, cũng là nơi “hứng bão”. Do đó, địa phương này đang tất bật triển khai phương án phòng chống thiên tai. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước, cho hay: Qua khảo sát, trên địa bàn huyện xuất hiện 3 điểm sạt lở núi có nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống người dân, gồm: khu vực núi Hóc Công (ở xã Phước Thành), núi Hòn Vồ (ở xã Phước An) và khu vực núi Kỳ Sơn (ở xã Phước Sơn). Các xã khu Đông huyện Tuy Phước cũng thường xuyên bị nước lũ chia cắt, cô lập dài ngày trong mùa mưa bão.

Thị xã Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu cá nhiều nhất Bình Định với 2.312 chiếc. Ảnh: V.Đ.T.

Thị xã Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu cá nhiều nhất Bình Định với 2.312 chiếc. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) huyện Tuy Phước đã chỉ đạo các địa phương rà soát những khu dân cư thường xuyên bị nước lũ chia cắt, cô lập và ngập sâu để có phương án sơ tán dân, ưu tiên di dời những hộ ảnh hưởng đến những nhà gần kề cao tầng kiên cố, an toàn. Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cán bộ các cơ quan, xã, thị trấn, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai.

“Xã Phước Lộc duy trì lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên... Khi có bão lũ xảy ra, chính quyền xã sẽ kích hoạt các tổ xung kích tham gia vào công tác hỗ trợ di dời, sơ tán dân; cắm chốt lực lượng hướng dẫn, cảnh báo nhân dân đi lại ở những điểm ngập sâu hoặc nước lũ chảy xiết”, ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc chia sẻ.

Thị xã Hoài Nhơn, địa phương có lực lượng tàu cá nhiều nhất Bình Định với 2.312 chiếc; trong đó, có 2.136 tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng biển xa. Ngoài ra, Hoài Nhơn còn có khoảng 100 tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản ở vùng lộng, vùng biển ven bờ.

Do đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng thị xã Hoài Nhơn rất quan tâm đến công tác quản lý, sắp xếp tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Tam Quan, cửa biển trong những mùa mưa bão; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân di dời tránh trú khi có thời tiết nguy hiểm trên biển.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS thị xã Hoài Nhơn đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, quản lý tàu cá khi hoạt động trên biển. Đồng thời, yêu cầu Ban quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã phân luồng neo đậu, hướng dẫn các chủ tàu chằng buộc tàu chắc chắn, giảm va đập khi có bão đổ bộ; tuyệt đối không cho lao động ở lại trên tàu khi có bão xảy ra.

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2023, tỉnh này có 4 thuyền viên chết và mất tích do ảnh hưởng bão và không khí lạnh trên biển và 1 người chết do nước lũ cuốn trôi. Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình bão lũ trên địa bàn Bình Định sẽ có diễn biến khó lường, nên ngay từ bây giờ, tỉnh này đã sẵn sàng các nguồn lực, phương án ứng phó với thiên tai; đặc biệt là huy động phương tiện, nhân lực để đảm bảo an toàn về người, tài sản, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra.

Trước mùa bão lũ năm 2024, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các địa phương rà soát, khảo sát thực tế các vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bởi triều cường, sạt lở núi, lũ quét để xây dựng cụ thể phương án phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS cấp huyện chỉ đạo các Ban Chỉ huy cấp xã xây dựng chi tiết kế hoạch phòng chống thiên tai. Trong đó, chú ý đến 3 vấn đề cốt yếu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai; huy động lực lượng hỗ trợ người dân thu hoạch mùa màng, chằng chống nhà cửa; đặc biệt là củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng thiên tai, cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở đất, ngập sâu và tham gia giải tỏa vật cản, thông thoáng dòng chảy trên sông, dưới lòng cầu cống…

Tàu của lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định tuần tra trên biển trong những mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của lực lượng Bộ đội Biên phòng Bình Định tuần tra trên biển trong những mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Các lực lượng vũ trang của tỉnh Bình Định cũng đang rà soát phương tiện, trang thiết bị và hậu cần để ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Bình Định nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trên đất liền, trên sông và triển biển cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng phương án sơ tán dân khi có bão, lũ lớn và sạt lở đất.

“Đài Khí tượng thủy văn Bình Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm kịp thời, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và thông tin đến người dân chủ động ứng phó”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.

Tàu của lực lượng Công an Bình Định tuần tra trên biển trong mùa mưa bão kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu của lực lượng Công an Bình Định tuần tra trên biển trong mùa mưa bão kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết thêm: Để ứng phó với diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Bình Định đã xây dựng phần mềm hệ thống thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Bình Định. Phần mềm được xây dựng trên nền tảng trực tuyến, giao quyền cho chính quyền địa phương cấp xã, huyện và các Sở, ngành rà soát, cập nhật định kỳ dữ liệu về dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các khu sơ tán tập trung; huy động nguồn nhân lực, phương tiện, vật tư, hậu cần bảo đảm cho ứng phó thiên tai; quản lý hoạt động của tàu cá trên biển và tại các khu neo đậu, các tàu hàng neo đậu tại cảng Quy Nhơn; giám sát theo thời gian thực số lượng dân sơ tán và công tác chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ".

“Bình Định đã tổ chức đào tạo tập huấn sử dụng phần mềm cho công chức phòng chống thiên tai cấp huyện, xã và các Sở, ngành liên quan gồm 2 lớp tập huấn trực tuyến và trực tiếp sử dụng phần mềm ứng phó thiên tai cho 3.892 cán bộ, công chức, viên chức", ông Chương cho hay.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.