| Hotline: 0983.970.780

Gia cố 'lá chắn thép' bảo vệ người dân trước thiên tai

Thứ Hai 17/06/2024 , 07:09 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây mới, tu bổ, sửa chữa các công trình phòng chống thiên tai.

Công trình kè soi Vạt ở phường Châu Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, được đầu tư xây dựng góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở đất nông nghiệp và các công trình xây dựng của nhân dân ven bờ sông Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Công trình kè soi Vạt ở phường Châu Sơn, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, được đầu tư xây dựng góp phần ngăn chặn tình trạng sạt lở đất nông nghiệp và các công trình xây dựng của nhân dân ven bờ sông Công. Ảnh: Phạm Hiếu.

Không còn cảnh nơm nớp lo sợ

Những năm qua, hệ thống các công trình thủy lợi cũng như hệ thống các hồ, đập, kè… trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây mới. Qua đó không chỉ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế của người dân mà còn góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nhớ lại khoảng thời gian trước năm 2022, ông Nguyễn Văn Ấn (phường Châu Sơn, TP. Sông Công) cho biết, mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước từ thượng nguồn chảy về khiến bờ sông Công đoạn qua các tổ dân phố Vinh Quang 1 và Vinh Quang 2 bị sạt lở nghiêm trọng. Điều này không chỉ gây mất đất sản xuất mà còn đe dọa đến sự an toàn của một số hộ dân sinh sống gần bờ sông.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng công trình kè soi Vạt dài gần 400m, với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng. “Từ khi có công trình kè kiên cố mà Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con nơi đây ai ai cũng mừng do không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sạt lở mỗi khi nước lũ từ thượng nguồn chảy về nữa”, ông Nguyễn Văn Ấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Châu Sơn, từ khi hoàn thành đến nay, công trình kè soi Vạt đã góp phần phòng, chống sạt lở, bảo vệ khoảng 6 ha đất sản xuất nông nghiệp và các công trình xây dựng của 5 hộ dân ở ven sông.

“Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, phường cũng đã giao trách nhiệm cho các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ và phát huy hiệu quả sử dụng cao nhất”, lãnh đạo phường Châu Sơn thông tin.

Năm 2023, việc cầu cống Nẻ (thuộc tuyến đê Hà Châu, huyện Phú Bình) cũng được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần tiêu úng nước cho hàng chục ha đất nông nghiệp tại 3 xã Úc Kỳ, Hà Châu, Nga My.

“Trước đây mỗi khi mưa kéo dài hay vào mùa mưa lũ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con trong xóm thường bị ngập trong nhiều ngày, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất cây trồng. Từ khi công trình cầu cống Nẻ được đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết vấn đề tiêu úng nước cho bà con”, ông Nguyễn Văn Đại, người dân xã Nga My, huyện Phú Bình, bày tỏ niềm phấn khởi.

Chú trọng tu sửa, bảo dưỡng các công trình phòng chống thiên tai

Tương tự những địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2024, huyện Định Hoá có kế hoạch đầu tư trên 18 tỷ đồng sửa chữa và nâng cấp các công trình thuỷ lợi. Nguồn vốn này sẽ tập trung kiên cố các đập ngăn nước bê tông hoá, nâng cấp các trạm bơm, tràn xả lũ và kiên cố kênh dẫn nước.

Năm 2024, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch đầu tư trên 18 tỷ đồng sửa chữa và nâng cấp các công trình thuỷ lợi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Năm 2024, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch đầu tư trên 18 tỷ đồng sửa chữa và nâng cấp các công trình thuỷ lợi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, huyện Định Hóa đã hoàn thành 4 công trình sửa chữa đập, cống lấy nước và hàng chục kênh đầu mối dẫn nước với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng. Các hạng mục công trình còn lại đang được cơ quan chuyên môn lập phương án tổ chức thi công, đáp ứng kịp thời sản xuất, cũng như bảo đảm an toàn mùa mưa bão.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, xác định tầm quan trọng của các công trình phòng chống thiên tai, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư xây mới, tu bổ, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp.

Điển hình như trong năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động, vận động từ các nguồn lực hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 400 công trình dân sinh (trung tâm y tế, trường học, làm đường... ); xây mới, sửa chữa hơn 1.100 nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn góp phần hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn trước thiên tai; đầu tư trên 150 tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều…

“Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và trái quy luật, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bên cạnh việc xây dựng phương án chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai để có phương án đề xuất tu sửa, bảo dưỡng, xây mới”, ông Nguyễn Văn Bắc cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 48 km đê, trong đó có hơn 34 km đê cấp III và gần 14 km đê cấp IV. Toàn tỉnh có hơn 1.200 công trình thủy lợi gồm hơn 400 hồ chứa nước, hơn 500 đập dâng, gần 330 trạm bơm và gần 4.000 km kênh mương.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.