Quẳng bớt nỗi lo
Một trong những giải pháp cấp bách tỉnh Bình Định đang thực hiện là vận động, thuyết phục nhóm tàu câu mực hoạt động ở các tỉnh phía Nam có chiều dài dưới 15m, nhóm tàu nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài lắp thiết bị giám sát hành trình. Đây cũng là cách quẳng bớt nỗi lo, bởi khi nhóm tàu này đã lắp thiết bị giám sát hành trình thì sẽ không còn dám đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, thời gian qua, tỉnh này đã tổ chức nhiều đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam gặp gỡ, vận động chủ tàu, thuyền trưởng các tàu câu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Sở NN-PTNT Bình Định cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tạm thời thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với những tàu cá chưa trang bị thiết bị giám sát hành trình; đồng thời, đề nghị các tỉnh bạn phối hợp ngăn chặn những tàu cá này xuất bến.
Cũng theo ông Phúc, trong tổng số 215 tàu cá thuộc nhóm tàu câu mực hoạt động ở các tỉnh phía Nam, đến nay đã có 113 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo yêu cầu để tham gia khai thác thủy sản. Thời gian tới, Sở NN-PTNT Bình Định cùng các địa phương ven biển và ngành chức năng các tỉnh bạn tiếp tục thuyết phục để tất cả chủ tàu cá hành nghề câu mực hoạt động tại các tỉnh phía Nam lắp thiết bị giám sát hành trình.
Đáp ứng khuyến nghị thực thi pháp luật
Một khuyến nghị khác của EC mà Bình Định đang nỗ lực thực hiện là công tác thực thi pháp luật đối với những trường hợp vi phạm. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh này đã quyết liệt xử nghiêm những trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo 5 huyện, thị xã, thành phố ven biển đã họp bàn rất nhiều lần để tìm giải pháp trong xử lý những trường hợp vi phạm khai thác IUU. Bởi, trên thực tế, có nhiều chủ tàu chủ động vi phạm IUU đã toan tính trước, ngừa việc làm sai bị phát hiện và bị xử phạt, nên họ tránh đứng tên sở hữu tài sản có giá trị. Chính vì vậy, ngay cả khi đối tượng vi phạm được xác định không có khả năng nộp phạt, ngành chức năng vẫn quyết định xử phạt.
“Từ tháng 10//2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 8 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, cả 8 tàu cá này đều xuất bến ngoài tỉnh, có chiều dài dưới 15m, không thuộc đối tượng lắp thiết bị giám sát hành trình. UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp với số tiền 4,5 tỷ đồng; còn lại 3 tàu cá do chủ tàu, thuyền trưởng bị nước ngoài bắt giữ, chưa thả về, chưa xác lập biên bản vi phạm hành chính nên chưa ban hành quyết định xử phạt”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.
Hiện Bình Định đang tăng cường tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, trong đó đặc biệt tuyên truyền về việc “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam”.
“Chúng tôi tuyên truyền sâu rộng về việc “truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định.