Thành phố thông minh
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay địa phương thu hút trên 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ USD, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính riêng trong năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% trong tổng thu ngân sách của tỉnh, góp phần cho GRDP bình quân đầu người đạt 130,3 triệu đồng.
Thành phố mới đang được Bình Dương đầu tư xây dựng theo đề án thành phố thông minh |
Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cấp bách của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2016, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc ban hành đề án “Thành phố thông minh - Bình Dương”. Với việc triển khai đề án, Bình Dương hy vọng sẽ mang đến lợi ích hài hòa cho các bên trong quá trình phát triển; hình thành cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền - doanh nghiệp và các viện, trường.
Ngoài ra, Bình Dương cũng đã tiến hành triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Song song với tiếp tục củng cố phát triển các thị trường truyền thống, tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Việc Bình Dương đổi mới cách thu hút đầu tư, hướng tới thành phố thông minh trong thời gian qua bước đầu đã tạo được những ảnh hưởng tích cực như: Bình Dương được Diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) đưa vào danh sách 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh (Smart21) và trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới WTA; Bình Dương tổ chức thành công 2 hội nghị quốc tế là Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu nhân Kỷ niệm 20 năm thành lập WTA và Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis.
Điểm nghẽn
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm cho biết thu nội địa năm 2018 chỉ đạt 35.360 tỷ đồng, đạt 90% dự toán do Trung ương giao.
Ngoài ra theo ông Liêm, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Bình Dương nói riêng có mức tăng trưởng cao nhưng chịu nhiều áp lực về dân số, giao thông và nhiều vấn đề xã hội. Do vậy, Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ GT-VT quan tâm triển khai đầu tư hệ thống đường sắt, đường thủy để phát triển đồng bộ, thúc đẩy dịch vụ logistics của khu vực nạo vét đá ngầm trên sông Đồng Nai, cầu Bạch Đằng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, đẩy nhanh dự án cầu Bình Lợi...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành Trung ương tập trung gỡ khó cho vốn đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bình Dương. Phó Thủ tướng mong muốn Bình Dương sớm trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, coi trọng phát triển dịch vụ tài chính, logistics với mức tăng trưởng cao hơn mức tăng GRDP.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bình Dương góp ý, hiến kế với Chính phủ trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển đô thị thông minh, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị và phát triển vùng kinh tế động lực bền vững, không tận thu mà khuyến khích tính năng động, tự chủ của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp.