Dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ tại P. Chánh Mỹ, TP. Thủ Dầu Một do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (gọi tắt là TCT HUD) làm chủ đầu tư. Trong dự án này, một phần tỉnh Bình Dương thu hồi đất giao cho HUD và một phần HUD thực hiện đền bù nhưng được khấu trừ trong tiền sử dụng đất.
Sau 7 năm, dự án nợ thuế sử dụng đất, Cục Thuế tỉnh Bình Dương ra thông báo tiền sử dụng đất và tiền phạt cho hàng chục hecta đất công chỉ vẻn vẹn 500 tỷ.
Cụ thể, đầu tháng 3/2019, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương đã có văn bản báo cáo tiến độ thực hiện xác định diện tích và nghĩa vụ thuế về tiền sử dụng đất tại Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ (giai đoạn 1).
Tại biên bản làm việc trên có nêu rõ nguồn gốc đất theo Tờ trình số 868 ngày 26/12/2018, các lần phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh quy hoạch chi tiết quyết định quy hoạch số 3567 của tỉnh ngày 17/8/2007 được điều chỉnh qua quyết định số 2878 ngày 5/10/2011; số 1841 ngày 26/7/2013; số 2112 ngày 17/8/2016.
TCT HUD được tỉnh giao đất theo các quyết định giao đất lần lượt sau 1521 ngày 19/5/2008; 2467 ngày 12/8/2008; 853 ngày 9/3/2009; 5273 ngày 9/12/2009; 2593 ngày 26/8/2010; 4193 ngày 27/12/2010; 4015 ngày 23/12/2011. Điều ngạc nhiên là chỉ có giao đất đợt 1 và 2 là TCT HUD thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ và đã được giấy chứng nhận còn từ đợt 3 đết đợt 5 Cục thuế tỉnh Bình Dương đã phải ra thông báo nộp tiền nhưng công ty không thực hiện.
Doanh nghiệp chây ỳ là thế, nhưng không hiểu sao tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục giao cho TCT HUD đợt 6 và 7 để rồi đến tháng 3/2019 công ty cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đợt 3 đến đợt 7.
Để TCT HUD nợ thuế lâu, cũng như không triển khai dự án nhưng chính quyền tỉnh Bình Dương không có động thái gì khiến dư luận bức xúc. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực xây dựng cho rằng TCT HUD đang có lợi thế cạnh tranh khi tận dụng nợ vốn hàng trăm tỉ đồng.
Trong khi doanh nghiệp tư nhân chậm triển khai vài năm sẽ bị tỉnh gửi thông báo thu hồi, làm dự án không thực hiện nghĩa vụ tài chính thực hiện muộn thì liên tiếp nhận được thông báo nộp tiền… Việc chính quyền Bình Dương ưu ái cho TCT HUD giao đất, khấu trừ, nợ lâu… đang làm mất đi sự cạnh tranh không công bằng của các đơn vị làm ăn chân chính
Chưa hết, TCT HUD còn có dấu hiệu khai khống tiền đền bù để khấu trừ . Tháng 4/2019, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương ra văn bản xác nhận chi phí bồi thường đất, hỗ trợ đất của dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ.
Tại đây, Sở Tài chính phát hiện việc Ban quản lý số 8 (thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - TCT HUD) lập có dấu hiệu gian dối khai “khống” với số tiền gần 340 triệu đồng được khai là đất nuôi trồng thuỷ sản.
Sở Tài chính chỉ rõ, qua rà soát, kiểm tra danh sách nhận tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất để thực hiện giao đất đợt 3,4,5,6,7 trong khu 114 ha tại dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ do BQL số 8 thuộc Tổng công ty HUD lập, đối chiếu với Biên bản kiểm kê hiện trạng, biên bản trị giá bồi thường hỗ trợ đất và tài sản trên đất và Phiếu chi tiền của 120 hồ sơ thuộc dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ, Sở Tài chính có ý kiến như sau: “Không xác nhận số tiền hỗ trợ đất nuôi trồng thuỷ sản (337.978.800 đồng) do diện tích đất bồi thường không có đất nuôi trồng thuỷ sản.
Sở thống nhất xác nhận số tiền bồi thường đất, hỗ trợ đất theo đơn giá đất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 28/2007/QĐ-UBND và quyết định số 97/2007/QĐ-UBND là 130.766.433.550 đồng cho tổng diện tích đất bồi thường, hỗ trợ là 656.847,4m2; gồm 120 hồ sơ…
Tại văn bản trên Sở Tài chính cũng chỉ nêu các quyết định của UBND tỉnh về việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ… Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (nay là Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Dương), số tiền bồi thường đất, hỗ trợ đất được xác nhận để khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính phải nộp tương ứng với các diện tích đất giao, thuê có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án Khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ là theo từng đợt giao, thuê đất (từ đợt 3 đến đợt 7).
Tất cả thể hiện, dự án bây giờ mới triển khai nhưng TCT HUD lại được bồi thường đất theo khung giá năm 2007.
Việc tỉnh Bình Dương cho TCT HUD đứng ra đền bù cho người dân với mức giá từ năm 2007 và sau đó lại khấu trừ vào tiền nộp sử dụng đất của doanh nghiệp khiến dư luận không thể không hoài nghi liệu có “lợi ích nhóm” trong dự án này?