| Hotline: 0983.970.780

Bộ GTVT 'bất ngờ' vì xe nông sản không được qua chốt kiểm dịch

Thứ Ba 27/07/2021 , 19:11 (GMT+7)

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết lái xe chở nông sản chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 là có thể qua chốt kiểm dịch.

Xe container, xe tải chở hàng nối đuôi nhau tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe container, xe tải chở hàng nối đuôi nhau tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết ông "rất bất ngờ" khi biết thông tin hàng hóa nông sản gặp khó khăn khi đi qua chốt kiểm dịch.

“Tôi theo dõi báo cáo hàng ngày của các Sở GTVT và thường xuyên đi kiểm tra một số chốt. Bộ GTVT đã thống nhất với Bộ Y tế về việc không dừng để kiểm tra, kiểm soát trên đường với các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ công tác chống dịch khi đã có QR Code. Còn nếu không có QR Code mà có giấy xét nghiệm âm tính đối với lái xe, thì vẫn cho đi”, ông Thọ nói.

Lý do xe chở nông sản gặp khó, theo ông Thọ là do “mỗi địa phương áp dụng một kiểu”. Ông Thọ đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT kê danh mục “nhóm mặt hàng thiết yếu” để các cơ quan chức năng tại các chốt có căn cứ thực hiện.

Đại diện bộ GTVT cho biết đơn vị này đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể về các tình huống cho xe qua. Sắp tới, Bộ này cũng sẽ có quyết định tạm thời về vấn đề vận chuyển hàng hóa trong kỳ chống dịch.

Lãnh đạo ngành GTVT nhấn mạnh đến Chỉ thị 16 với ‘thời gian vàng’ là 14 ngày truy vết, dập dịch. “TP.HCM là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị. Nếu không xử lý được tình hình, cứ để tiếp diễn như thời gian trước thì sẽ khiến đất nước gặp muôn vàn khó khăn”.

Ông Thọ nhắc lại việc người dân cả nước đã “liểng xiểng” khi dịch bùng phát ở quy mô nhỏ hơn so với TP.HCM như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên. Trong khi đó, TP.HCM với dân số trên 10 triệu người, hệ thống y tế rất khó đảm bảo nếu không dập được Covid-19.

Sau quá trình khảo sát thực tế những ngày qua, Thứ trưởng Thọ đề nghị “ưu tiên cho lực lượng lái xe vận tải” chở hàng hóa thiết yếu.

“Tôi đã thí điểm chỉ đạo Cục Y tế của Bộ GTVT thành lập tổ cơ động đến trực tiếp doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn làm không xuể do nhu cầu test Covid là rất lớn”.

Ông Thọ nhắc lại chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tiêm vacxin như biện pháp “rải thảm”, còn nhiệm vụ trước mắt là khoanh vùng, dập dịch. Do đó, TP.HCM cần có giải pháp mạnh như yêu cầu người dân không ra đường sau 18h nếu không có việc thực sự cần thiết.

“Qua kinh nghiệm chống dịch ở Vũ Hán được nhắc tới trên truyền thông, tôi nghĩ với thành phố có dân số đông như TP.HCM, cần thực hiện giải pháp là phun khử khuẩn. Tiếp đó là đề nghị người dân không ra đường trong một tuần, nửa tháng, kết hợp với việc đưa thêm lực lượng y tế từ các nơi đến hỗ trợ”, ông Thọ nói.

Một vấn đề khác cũng khiến đại diện Bộ GTVT cho rằng cần tính toán, đó là di dân. Ông Thọ nêu ví dụ về việc Hà Tĩnh tổ chức bài bản, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đưa dân về bằng tàu hỏa.

“Đi đường sắt như thế thì an toàn. Song có những đoàn đi bằng đường bộ với cả nghìn xe máy thì rất phức tạp, có khả năng lây lan lớn. Đề nghị các Bộ liên quan cùng bàn bạc với TP.HCM. Đối với vận tải hàng không, ngành vẫn đáp ứng nếu có kế hoạch. Ngày 28/2 có chuyến bay chở lực lượng công binh của Bộ Quốc phòng vào TP.HCM”, ông Thọ cho biết.

Vấn đề phân phối lương thực thực phẩm, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng nên có cơ chế hỗ trợ người nghèo.

"Tình hình hiện nay có cho tiền 1- 2 triệu đồng thì người dân cũng không đi mua được. Thế nhưng chỉ cần cung cấp 10 kg gạo, một ít rau, một ít muối thì người dân có thể cầm cự được 10 - 15 ngày", ông Thọ nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.