Quyết định số 4116 của Bộ NN-PTNT ngày 22/10/2021 về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính của Bộ NN-PTNT giai đoạn 2021 - 2030 nêu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của công tác cải cách tài chính công.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
Để làm được điều đó, Bộ đặt thêm mục tiêu phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với công tác quản lý đất đai, tài sản, đảm bảo việc bố trí sử dụng nhà, đất đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đúng tiêu chuẩn định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Từ mục tiêu cụ thể trên, Bộ NN-PTNT xác định những nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 10 năm tới. Một là, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính. Thực hiện phân bổ NSNN tập trung, sử dụng hiệu quả theo nguyên tắc dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ.
Phân bổ dự toán chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện giảm chi hỗ trợ từ NSNN gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ NSNN và giảm chi phí hỗ trợ từ NSNN đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu phù hợp với lộ trình tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ NN-PTNT cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Bộ NN-PTNT cũng sẽ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức chi phí, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định của pháp luật về giá và quy định của pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của Chính phủ.
Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và tổ chức thực hiện các nội dung khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan Trung ương.
Chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Tạo sự cạnh tranh bình đẳng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ sự nghiệp công.
Nân cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, quyết toán, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, thực hiện đầy đủ các quy định về công khai NSNN. Thực hiện đúng quy định của luật NSNN năm 2015, hướng dẫn, đôn đốc và giám sát việc thực hiện công khai NSNN của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp.
Đối với công tác quản lý đất đai, tài sản, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành việc sắp xếp 532 cơ sở nhà, đất đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp trực thuộc Bộ theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình cấp co thẩm quyền phê duyệt.