| Hotline: 0983.970.780

Bỏ phu trầm đi làm... 'phu chữ'!

Thứ Bảy 23/06/2018 , 13:50 (GMT+7)

Học xong ở trường Đại học Pháp lý Hà Nội (trường Đại học Luật Hà Nội bây giờ), tôi về quê khi cả nước bắt đầu giai đoạn khởi động của xóa bỏ bao cấp. Không đi xin việc ngay, tôi nghe theo đám bạn lăn lóc hết đi đào vàng lại đi tìm trầm. 

Dấu chân đạp hết rừng Trường Sơn lại cả sang rừng Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh… và sang tận cả những cánh rừng Lào xa xôi.

09-39-27_tp-__1
Tác giả trong chuyến đi rừng đầu tiên khi làm báo (tháng 6/1997) tại miền tây huyện Quảng Ninh

Hơn 5 năm xuôi ngược, tôi bỏ ngang xin về làm thử việc ở Báo Quảng Bình. Mấy tháng sau, anh Đỗ Quý Doãn (nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Quảng Bình) gọi tôi lên bảo đại ý: Em viết cũng được, nhưng hiện có hai người thử việc mà chỉ có một suất được lựa chọn. Đó là ưu tiên cho trường hợp con gia đình chính sách. Anh Doãn nói trong sự thông cảm rồi chợt hỏi: “Không làm báo, chú làm nghề gì được?”. Sực nhớ mình học pháp lý, tôi nói: “Dạ em đi làm Tòa án”. “Nghề đó cũng tốt mà. Cố gắng em nhé. Rồi cứ làm cộng tác viên cho anh”, anh Doãn động viên. Tháng sau, tôi thành công chức tập sự cho ngành Tòa án và được điều động nhận công tác ở một huyện miền núi, nơi sát với nước bạn Lào.

Ở ngành Tòa án được 5 năm, tôi được chọn đi học lớp đào tạo Thẩm phán hành chính đầu tiên của Việt Nam. Lớp học tập trung tại Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Kết thúc lớp học thì cũng là lúc tôi nhận được quyết định điều động về làm việc tại Báo Quảng Bình với chức danh phóng viên. Đi qua những phiên tòa xét xử, tôi lại cùng chiếc máy ảnh rong ruổi dặm đường nghề báo.

Đời làm báo của tôi gắn nhiều kỉ niệm với rừng. Và, cũng chính vì rừng mà tôi gặp rắc rối. Lần đó, rừng cổ thụ ở miền tây huyện Tuyên Hóa bị khai thác vô tội vạ. Tôi ngược bản Xà Xeng, nhờ ông Cao Dụng ở bản dẫn đi. Từ sáng đến trưa thì đến được điểm khai thác. Quên hết nhọc nhằn, tôi mải miết tìm những gốc cây lớn đến hai người ôm mà lâm tặc đốn hạ. Con đường lâm tặc xẻ ra kéo gỗ thành rãnh sâu hút. Từng khoảng rừng bị cây gỗ lớn ngã đè lên ngổn ngang. Hàng chục cây bị cắt hạ như vậy. Phần gỗ bì còn lại nằm thành đống.

Bài viết được đăng tải làm dấy lên dư luận nóng. Thời gian ngắn sau, khi đang học lớp Báo chí ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì tôi được gọi về giải trình bài viết vụ phá rung ở Tuyên Hóa.

Về đến cơ quan, Tổng Biên tập đưa cho cái công văn của huyện Tuyên Hóa do Chủ tịch huyện ký gửi Bí thư Tỉnh ủy đề nghị xem xét kỷ luật tác giả vì "dựng đứng câu chuyện".

Trong công văn, huyện Tuyên Hóa cho rằng đó chỉ là vài cây gỗ do bà con đồng bào dùng rìu, rựa chặt để làm nhà chứ không có chuyện lâm tặc đóng lán khai thác như công trường…

Hỏi ra mới biết, để che lấp vụ phá rừng, huyện Tuyên Hóa nhờ một nhóm phóng viên lên vùng rừng gần đó chụp ảnh mấy cây gỗ do bà con trong bản chặt làm nhà. Ngay bản thân ông Cao Dụng cũng bị khống chế để nói: “Tui không đưa nhà báo mô vô rừng cả”.

Công văn của huyện dựa trên nội dung bài viết của một tờ báo có tiếng, có phóng viên đã đi vào rừng. Theo tinh thần của công văn thì tôi sai hoàn toàn và có nghĩa là bị kỷ luật, bị buộc thôi việc như chơi.

09-39-27_tp-__2
Tác giả trong chuyến đi rừng gần nhất tại Hóa Sơn - Quảng Bình (10/2017)

Trước ngày Tỉnh ủy sang làm việc với báo, tôi in hết cuốn phim chụp hiện trường cho lãnh đạo cơ quan. Trong đó có cả mấy tấm ảnh ông Cao Dụng cầm hộp dầu nhớt, cạn đựng xăng của lâm tặc bỏ lại sau khi dùng máy cưa cắt hạ gỗ, để báo cáo cùng bản tường trình với lời đề nghị huyện Tuyên Hóa thành lập tổ công tác kiểm tra lại vùng rừng bị phá và tác giả là người dẫn đường.

Hơn một tuần sau ngày bên Tỉnh ủy sang làm việc cũng không thấy chuyện gì. Tôi liều lên gặp Tổng biên tập để hỏi xem thế nào. Ông Tổng biên tập chậm rãi: Bên đó (Tỉnh ủy) xác định là ta đúng rồi. Nhưng không đồng ý cho cậu lên lại vùng rừng đó nữa. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu không xới xáo vụ việc này thêm nữa. Thôi, cậu quay ra trường để đi học đi!

Sau này về Báo Nông nghiệp Việt Nam, những chuyến đi rừng của tôi càng dày hơn. Điều làm tôi an lòng là sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải vụ việc thì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Đã có vụ phá rừng bị khởi tố. Trong một lần thăm tôi nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, anh Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói vui: Anh gắn đời vào duyên phận với rừng rồi. Có được anh, bên anh em kiểm lâm cũng vững tâm hơn vì chính quyền sẽ hỗ trợ nhiều cho các chủ rừng trong nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.

(Kiến thức gia đình số 25)

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.