TP Cần Thơ là một trong 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1162//QĐ-TTg bổ sung 4.000 tỷ đồng vốn bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho các tỉnh ĐBSCL thực hiện dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, TP Cần Thơ được bổ sung thêm 250 tỷ đồng. Thành phố đang gấp rút bổ sung đầu tư cho các công trình sạt lở bờ sông cấp bách trên địa bàn trong giai đoạn cuối năm 2023 sang năm 2024.
Nằm về phía hạ lưu, TP Cần Thơ cùng các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng vừa trải qua 2 đợt triều cường lớn gây ngập lụt cục bộ. Sau các đợt triều cường, nước dâng lên tràn ngập bờ sông, kênh, rạch. Sau khi nước rút thường gây sạt lở, nhất là tại các điểm báo động nguy cơ cao khiến người dân khu vực ven sông lo sợ.
Những năm qua, trên địa bàn TP Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở ven sông gây nhiều thiệt hại về tài sản và nhà cửa của người dân. Thành phố đã chọn giải pháp xây kè bờ sông chống sạt lở cho những đoạn xung yếu có nguy cơ xói lở cao để bảo vệ các cụm, tuyến dân cư, đặc biệt là các công trình thi công kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn, kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích) thuộc phường Thới Hòa, quận Ô Môn (phía bờ trái sông Ô Môn, hướng từ cầu Ô Môn trở ra sông Hậu); kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Hiện nay, còn các dự án đang triển khai gồm: Kè chống sạt lở sông Ô Môn (đoạn từ vàm Ba Rích đến rạch Cam My) thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn đang triển khai thi công giai đoạn 1 (đoạn từ vàm Ba Rích đến kênh Thủy lợi 1); kè chống sạt lở khẩn cấp sông Trà Nóc thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy (đoạn từ cầu Xẻo Mây đến cầu Rạch Chùa). Tổng chiều dài của các dự án đang triển khai là 9.285m, tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng.