Chiều 15/3, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP.HCM tổ chức khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024.
Đây là Diễn đàn Báo chí toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay, nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024. Tham dự khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và đại biểu các Bộ ban ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương.
TP.HCM mong báo chí cùng giải bài toán phát triển
Phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Hội báo toàn quốc 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng đối với báo giới mà còn đối với tình hình kinh tế xã hội của thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên Trung ương và địa phương đã dành tình cảm, sự quan tâm và ủng hộ TP.HCM trong suốt thời gian qua.
“TP.HCM luôn đánh giá cao sự đóng góp của báo chí. Thành phố luôn xem lực lượng báo chí cách mạng là lực lượng quan trọng, không phân biệt báo chí Trung ương hay thành phố, luôn đồng hành cùng sự phát triển của thành phố. Đội ngũ báo chí luôn là lực lượng cơ hữu và luôn đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Cũng theo ông Mãi, TP.HCM chọn 3 đột phá chiến lược để phát triển gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Song đây cũng là điểm nghẽn mà thành phố cần phải tập trung tháo gỡ. Bên cạnh đó, thành phố còn đối diện với những hạn chế nội tại của chính mình.
Thành phố đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các đường vành đai, cao tốc kết nối, các tuyến đường sắt đô thị, hạ tầng xã hội… để cải thiện tình trạng giao thông, phân bổ dân cư, giải quyết ngập nước, kẹt xe; đầu tư hạ tầng số để thúc đẩy kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn các cơ quan Trung ương và các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, góp ý để thành phố nhìn rõ hơn về chiến lược cũng như định hướng, giải pháp sắp tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
“Dưới góc nhìn của báo chí chắc chắn sẽ có những phân tích, gợi ý, khuyến nghị cho chính quyền thành phố trong hoạch định các chiến lược phát triển cũng như giải bài toán phát triển trong hành trình đi lên”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ và mong muốn báo chí gợi ý, hiến kế để TP.HCM khơi thông động lực bên trong, tạo sự bứt phá
Năm 2025 kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM đã có nhiều kế hoạch để triển khai các hoạt động chào mừng, phát động thi đua. Vì vậy, ông Mãi mong muốn báo chí sẽ tham gia cùng thành phố, không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà tham gia nhiều nội dung, hoạt động khác trong dịp kỷ niệm này.
Báo chí muốn đi xa thì phải về gần
Cũng tại phiên khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.
“Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số cũng đã diễn ra hơn chục năm, bây giờ không chỉ là lên không gian mạng mà còn là giành lại không gian mạng, tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng. Ngoài ra, nguồn thu chính của báo chí cũng sẽ đến từ không gian mạng. Do đó, nếu thay đổi thành công thì tương lai của báo chí, truyền thông sẽ nằm phía trên của đường kéo dài, nếu không thì sẽ nằm phía dưới của đường kéo dài này”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vì vậy, báo chí phải làm những việc mới.
“Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức kia. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng, đổi mới không phải là một việc quá khó. Thay vì viết thì hãy làm nền tảng để mọi người viết. Thay vì để mọi người đọc trên trang Web của mình thì hãy để họ đọc trên các nền tảng khác nhau. Thay vì cung cấp thông tin thì hãy cung cấp tri thức. Thay vì tự làm thì hãy hợp tác...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, những khó khăn, những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí, như một số người nghĩ như vậy, mà chỉ nói lên, báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Sự đổi mới này làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
“Muốn đi xa thì phải về gần. Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bày tỏ.
“Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.