| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra chủ thể trong quản lý rủi ro thiên tai

Thứ Tư 13/10/2021 , 13:50 (GMT+7)

Xuyên suốt quá trình phòng, chống thiên tai, chính cộng đồng dân cư địa phương mới thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vai trò quyết định của người dân bản địa trong phòng, chống thiên tai

Phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN Quản lý thiên tai diễn ra sáng 13/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cho rằng thiên tai, dịch bệnh không phân định biên giới.

Trước bối cảnh thế giới đang phải đương đầu, ứng phó với xáo trộn trong đời sống kinh tế - xã hội, sự sát cánh, đồng lòng giữa các quốc gia cùng với vai trò điều phối của Liên hợp quốc có ý nghĩa quyết định, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế, san sẻ khó khăn, kết nối nguồn lực.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, 2 lĩnh vực “Giảm nhẹ rủi ro” và “Quản lý thiên tai” cần chú trọng tới công tác chuẩn bị, dự phòng một cách chủ động, tích cực, hướng đến những giải pháp căn cơ, bền vững. Chuẩn bị, dự phòng không chỉ cho năm nay hay năm sau, mà cần tầm nhìn xa hơn, cho năm năm, mười năm tiếp đến, cho thế hệ con cháu mai sau.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng các ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến luôn cần đến sự đầu tư tương xứng để nâng cao khả năng dự báo, đánh giá rủi ro. Song, cần chú trọng việc kết hợp phân tích khoa học với các giải pháp quản lý thiên tai dựa vào năng lực cộng đồng, phát huy tri thức bản địa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cộng đồng dân cư địa phương là chủ thể đóng vai trò quyết định trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cộng đồng dân cư địa phương là chủ thể đóng vai trò quyết định trong phòng, chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Là chủ thể đóng vai trò quyết định, xuyên suốt quá trình quản lý rủi ro thiên tai, chính cộng đồng dân cư địa phương mới thông hiểu, am tường rõ nhất về các rủi ro thiên tai đang đối mặt, để chủ động tham gia vào các khâu lập kế hoạch và triển khai thực hiện, dựa trên việc khai thác, tận dụng tối ưu các nguồn lực sẵn có, cùng các kiến thức bản địa hữu ích, được lưu truyền qua bao thế hệ. Đây là nền tảng để hướng đến phát triển bền vững, hài hoà ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, vừa đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của thế hệ hôm nay, vừa không làm tổn hại, giảm thiểu điều kiện, cơ hội thụ hưởng của thế hệ mai sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Bão số 7 LionRock vừa mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, bão số 8 Kompasu sẽ sớm đổ bộ vào Việt Nam. Ngay sau buổi hưởng ứng này, tôi cùng Đoàn Công tác sẽ di chuyển vào khu vực các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 8 để theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra chỉ đạo, hỗ trợ người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin tại sự kiện.

Thách thức kép đến từ thiên tai - dịch bệnh

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai được bắt đầu vào năm 1989, do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khởi xướng và lựa chọn ngày 13/10 hàng năm để thúc đẩy văn hóa toàn cầu nhận thức về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

ASEAN cũng lấy ngày này là Ngày Quản lý thiên tai ASEAN để kỷ niệm cách thức mà người dân và cộng đồng trên toàn thế giới giảm rủi ro thiên tai và nâng cao nhận thức về những rủi ro mà họ phải đối mặt trong quá trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Năm 2021, Liên Hợp Quốc lấy chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai là: “Hợp tác để cùng nhau vượt qua thách thức kép”.

Việt Nam đã phải triển khai nhiều hoạt động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Quang Tuấn.

Việt Nam đã phải triển khai nhiều hoạt động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Quang Tuấn.

Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như: Tham gia Khung hành động SENDAI toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, và tham gia các cam kết trong khuôn khổ Nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).

Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực, có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhằm giảm thiểu rủi ro do “thách thức kép” đến từ thiên tai - dịch bệnh, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để triển khai các hoạt động về phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của 17/22 loại hình thiên tai, trong đó có 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 310 trận mưa đá, dông lốc, sét; 88 trận mưa lớn, lũ cục bộ… Qua đó làm 61 người chết, mất tích, 72 người bị thương; 238 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.286 nhà bị hư hỏng, tốc mái. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng trên 450 tỷ đồng…

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.