Sáng 11/10, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp cùng Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng và Văn phòng Chính phủ tổ chức tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ lần hai với chuyên đề Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giải quyết bài toán về "nguồn lực hạn chế, đầu tư dàn trải"
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng; Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, về góc độ quy hoạch phát triển và bàn nội dung thiết thực, cần thiết để triển khai thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề liên quan đến vùng Bắc Trung bộ và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về kinh tế vùng.
Theo Phó Thủ tướng, đây là lần đầu tiên có cơ chế Hội đồng vùng và bàn đến công cụ hoạt động là Quy hoạch vùng. Trên tinh thần này, các phân tích và xây dựng, đề xuất đối với Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên của Hội đồng vùng cần đi sâu hơn về văn hóa, xã hội, tự nhiên, thế mạnh để quyết định đưa ra công cụ quy hoạch một cách chính xác nhất.
Bên cạnh đó, ở góc độ về mặt khoa học, quy hoạch cần phân định để lựa chọn các địa phương có cùng điều kiện tự nhiên, có thể hỗ trợ hợp tác với nhau. Theo lãnh đạo Chính phủ, quyết định về việc phân các tiểu vùng rất quan trọng, việc này có tiêu chí khoa học, phương pháp luận khoa học nhưng chính địa phương các vùng sẽ quyết định.
Khi nói đến quy hoạch, cần đưa ra những thứ tự ưu tiên dựa trên vấn đề về phương diện địa phương và về phương diện lĩnh vực. Tuy nhiên cũng có vấn đề ưu tiên nhìn trên bình diện vùng để tạo ra động lực, sự lan tỏa và sự kết nối.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Quy hoạch vùng có thể sắp xếp được thứ tự ưu tiên trong đó tập trung các dự án có tính động lực của vùng, lựa chọn công trình liên địa phương để giải quyết bài toán về "nguồn lực hạn chế, đầu tư dàn trải".
Thiết lập con đường di sản, kích hoạt sự liên kết có tính chất lịch sử
Đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết câu chuyện về liên kết vùng là một vấn đề khó, cần phải tìm ra ưu điểm của từng vùng để truyền tải giá trị kết nối. Bộ trưởng gợi nhắc về chương trình "Con đường di sản miền Trung", qua đó có thể mở rộng con đường di sản với những câu chuyện lịch sử của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ để kết nối các địa phương trong vùng.
"Trên con đường đó, chúng ta định vị tất cả những gì phát triển của địa phương, giống như thế giới đang phục hồi lại Con đường Tơ lụa, biến những câu chuyện lịch sử thành tiềm năng, động lực để kích hoạt sự liên kết có tính chất lịch sử chứ không chỉ dừng lại ở liên kết có tính chất tự nhiên của vùng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất.
Con đường này sẽ hội tụ đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, khu dân cư, văn hóa vật thể, phi vật thể có thể trở thành minh chứng cho cách tiếp cận quy hoạch theo tư duy tích hợp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề xuất trong mối liên kết vùng, không nên phân định quá khắt khe giữa các ngành, tránh vô hình trung kiềm chế lẫn nhau, ngược lại cần có sự tích hợp giữa các ngành.
Lấy ví dụ cho ý kiến này, Bộ trưởng nêu câu chuyện về phát triển nghề cá, nuôi trồng thủy sản song hành cùng phát triển du lịch khi các doanh nghiệp thủy sản có ý kiến về việc tiềm năng phát triển nuôi trồng biển là rất lớn song e dè việc các địa phương phát triển du lịch, đô thị ven biển, từ đó thu hẹp không gian nuôi biển.
"Không gian du lịch cần phải mở, từ đó tích hợp tài nguyên rừng, biển, nông thôn để phát triển du lịch. Đây là tư duy tích hợp giữa thủy sản với du lịch, nông nghiệp với du lịch và lâm nghiệp với du lịch, và là vấn đề lớn của các tỉnh ven biển. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản cũng là mục tiêu để giảm khai thác giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến IUU. Việc phát triển du lịch gắn liền với thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp cũng giúp phát triển sự đa nhiệm của rừng phía Trường Sơn, rừng ngập mặn ven biển, tạo sinh kế cho người dân, giảm nguồn lực khai thác ven biển...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu ý kiến.
Bộ trưởng cũng đề nghị việc quy hoạch không nên chỉ tiếp cận từ ngành hẹp, cần có tư duy đa tầng, đa giá trị, tích hợp liên ngành trên những con đường di sản, con đường lịch sử để tạo ra không gian không có sự xung đột giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, thủy sản và du lịch, bảo tồn rừng và du lịch...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá đây là ý kiến hay, gợi mở về cách tiếp cận đa tầng, bên cạnh quy hoạch không gian địa lý cần tiếp cận quy hoạch theo không gian phi địa lý gồm văn hóa, lịch sử, kinh nghiệm... của từng vùng, cần sự kết nối và tránh sự bó buộc. Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong quy hoạch vùng có những vấn đề chắc chắn phải nhìn nhận ở cách tiếp cận hệ sinh thái, liên kết vùng và liên kết tỉnh.