| Hotline: 0983.970.780

Quản lý tài nguyên nước theo tinh thần quy hoạch vùng, phục hồi 'sức khỏe' ĐBSCL

Thứ Tư 30/11/2022 , 13:51 (GMT+7)

ĐBSCL Khai thác nước ngầm quá mức khiến sụt lún ĐBSCL trở nên nghiêm trọng. Chuyên gia hiến kế quản lý tài nguyên nước theo tinh thần quy hoạch vùng, phục hồi “sức khỏe” đồng bằng.

Nghịch lý nước nhiều, lại thiếu nước

Là một phần của lưu vực sông Mêkong, một trong những lưu vực sông lớn nhất trên thế giới, ĐBSCL được biết đến là khu vực có vùng nước dồi dào. Nhờ tiếp giáp với biển, tài nguyên nước đối với vùng châu thổ này không chỉ có nước ngọt mà còn cả nước mặn và nước lợ.

ĐBSCL là khu vực có vùng nước dồi dào, mỗi năm vùng được sông Mekong chuyển về từ 450 – 475 tỷ mét khối nước, tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Ảnh: Kim Anh.

ĐBSCL là khu vực có vùng nước dồi dào, mỗi năm vùng được sông Mekong chuyển về từ 450 – 475 tỷ mét khối nước, tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Ảnh: Kim Anh.

Theo các chuyên gia, mỗi năm, sông Mekong chuyển về cho vùng Châu thổ Cửu Long từ 450 – 475 tỷ mét khối nước, tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa vừa là vật liệu bồi đắp tạo nên ĐBSCL, vừa là nguồn dinh dưỡng cho toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên, tạo nên sự màu mỡ cho đất đai vùng châu thổ này.

Theo chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, nguồn tài nguyên nước không chỉ hiện diện ở số mét khối mà còn bao gồm chất lượng nước và các tiến trình biến thiên theo thời gian để duy trì “sức sống” cho đồng bằng. Từ nguồn nước đó mang đến cho vùng đất Chín Rồng hệ thống sông ngòi chằng chịt, lượng tài nguyên nước phong phú.

“Nước chảy khác với nước không chảy, nước lên nước xuống hàng ngày, hàng tháng và theo mùa có vai trò rất quan trọng đối với đất đai, cây cỏ, con người và nông nghiệp”, ông Thiện nhấn mạnh vai trò của dòng chảy trên các con sông.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích về thực trạng nguồn nước tại ĐBSCL và đưa ra giải pháp quản lý. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích về thực trạng nguồn nước tại ĐBSCL và đưa ra giải pháp quản lý. Ảnh: Kim Anh.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, trong bối cảnh hiện nay, tài nguyên nước ở ĐBSCL đang gặp nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu từ phía thượng nguồn làm cho lượng mưa trong lưu vực biến đổi, có khi hạn, mưa lũ cực đoan. Thêm vào đó, sự hiện diện và vận hành của các đập thủy điện làm rối loạn chế độ thủy văn. Ông Thiện ví các hồ chứa thủy điện giống như những “gã khổng lồ” ngồi trên sông, chặn và uống hết những trận mưa đầu mùa vào bụng, làm cho mùa nước nổi về ĐBSCL bị chậm từ vài tuần đến hơn một tháng, tùy theo năm.

Quan trọng hơn, các đập đã chặn hết phù sa và cát. Tương lai, nếu tất cả các đập thủy điện Mêkong được xây dựng hết, tương đương khoảng 140 đập, kể cả trên dòng chính và chi lưu, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện dự báo, 96% phù sa sẽ bị chặn lại.

Còn câu chuyện nội tại của ĐBSCL, ở một lưu vực sông nhiều nước như sông Mêkong, với chín nhánh Cửu Long đổ ra biển, nhưng hầu hết nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân được khai thác chủ yếu từ nguồn nước ngầm. Việc sử dụng nước ngầm quá mức đã và đang làm cho đồng bằng sụt lún, tự chìm xuống nhanh gấp 3 – 4 lần nước biển dâng với tốc độ nhanh hơn.

Nguyên nhân của nghịch lý này được ông Thiện phân tích ở hai khía cạnh. Một là sông ngòi phải tiếp nhận lượng lớn ô nhiễm từ tất cả các nguồn thải sinh hoạt, công nghiệp, đến nông nghiệp. Hai là khả năng tự làm sạch của sông ngòi bị suy yếu do nhiều công trình cản trở dòng chảy để chống lũ, ngăn mặn, ngọt hóa do một thời gian dài nền nông nghiệp chạy theo sản lượng lúa gạo. Ông Thiện ước tính, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 10.000 công trình cống từ 3m trở lên đã được đắp để ngăn mặn và chống lũ. Dẫn đến dòng chảy tự nhiên của các con sông bị thay đổi, gần như không còn hình ảnh “nước rong, nước lớn”.

“Nước sông ngòi không sử dụng được cho sinh hoạt bởi vì thời gian dài chạy theo nền nông nghiệp dán “nhãn sai” là an ninh lương thực. Điều này cũng lí giải nguyên nhân vì sao những năm gần đây, mỗi khi xuất hiện triều cường, nước trên các sông rạch dâng cao, gây ngập nặng tại nhiều khu vực đô thị ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang…”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Việc đắp các đập ngăn mặn, chống lũ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông, một trong những nguyên nhân gây nên tình ngập nặng đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Việc đắp các đập ngăn mặn, chống lũ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông, một trong những nguyên nhân gây nên tình ngập nặng đô thị. Ảnh: Kim Anh.

Ông Thiện cho rằng, giữa nước biển dâng và chuyện sụt lún đồng bằng, cần ưu tiên giải quyết chuyện sụt lún vì nó là mối “đe dọa” nhấn chìm đồng bằng nhanh hơn. Muốn giảm sụt lún, phải giảm sử dụng nước ngầm. Và đương nhiên cần có nguồn nước khác thay thế. Như vậy, việc cấp nước ngọt cho vùng ven biển vào mùa khô, và phục hồi sông ngòi nội địa trong lành như cách đây 30 năm là giải pháp cần được tính đến.

Giải pháp quản lý tài nguyên nước

Việc Trung ương ban hành một loạt quyết sách quan trọng như: Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chính sách này đều ưu tiên phát triển ĐBSCL một cách bền vững, “thuận thiên”, tôn trọng quy luật tự nhiên. Điểm nhấn là việc xem nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên, để từ đó nông dân đồng bằng cùng sống chung, khai thác giá trị kinh tế từ 2 nguồn nước này thay vì tìm cách ngăn chặn.

“Quản lý tài nguyên nước theo tinh thần tích hợp phải là nhắm đến vì một đồng bằng khỏe mạnh, “mạch máu” sông ngòi được lưu thông. ĐBSCL phải là nơi đáng sống, đáng đến như tầm nhìn của Quy hoạch ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2022 và được công bố vào tháng 6 vừa qua tại TP Cần Thơ”, ông Thiện chia sẻ.

Quản lý tài nguyên nước theo tinh thần tích hợp quy hoạch vùng ĐBSCL, nhắm đến vì một đồng bằng khỏe mạnh, 'mạch máu' sông ngòi được lưu thông. Ảnh: Kim Anh.

Quản lý tài nguyên nước theo tinh thần tích hợp quy hoạch vùng ĐBSCL, nhắm đến vì một đồng bằng khỏe mạnh, “mạch máu” sông ngòi được lưu thông. Ảnh: Kim Anh.

Sông ngòi phải thông thoáng, phải được chảy, phải có nước lớn, nước ròng vô ra hàng ngày, có nước rong, nước kém hàng tháng thì mới có nhịp thủy văn duy trì sinh thái. Sông được chảy thì mới tự làm sạch, làm đất đai tươi tốt. Nước lũ từ trên về có tràn đồng ở An Giang, Đồng Tháp mới mang lại nguồn lợi thủy sản, phù sa vào đồng ruộng.

Vị chuyên gia này kết luận, tư duy chiến lược đã có rồi, quy hoạch tổng thể cũng đã ban hành. Vấn đề còn lại là làm sao để mọi người cùng hiểu sâu sắc và thực hiện cho khớp với nhau trong một tổng thể. Đây sẽ là thách thức rất lớn, nhưng ông Thiện khẳng định, người dân đồng bằng có quyền hy vọng về tương lai thịnh vượng ở ĐBSCL.

Quản trị nước ngầm để quản lý vấn đề sụt lún đang trở nên cấp bạch ở ĐBSCL. Vì thế, việc quản lý khai thác nước ngầm cần có kế hoạch tổng thể cho toàn vùng ĐBSCL. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, cho rằng, các địa phương có cùng tầng chứa nước bị ảnh hưởng lẫn nhau trong khai thác thì cần liên kết liên tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra điều phối. Hơn nữa việc hợp tác cũng cần theo cơ chế chia sẻ thông tin giữa các địa phương và đối thoại giữa bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, ĐBSCL với nhiều tiểu vùng sinh thái và mỗi tiểu vùng sẽ có những nhu cầu sử dụng nước khác nhau. Chính sách đê bao, ngăn mặn, chống lũ trong canh lúa thời gian qua đã không còn phù hợp. Hơn nữa, một số hệ thống thủy lợi hiện nay đã không còn phù hợp với một số địa phương đang thực hiện chuyển đổi sản xuất sang tập trung rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, việc thiết kế lại và quản lý hiệu quả các hệ thống thủy lợi trong bối cảnh mới là cần thiết.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...