| Hotline: 0983.970.780

16 dự án giao thông trọng điểm được đề xuất đầu tư cho vùng ĐBSCL

Chủ Nhật 02/04/2023 , 09:07 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện thực hóa quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, các địa phương, bộ ngành liên quan đề xuất 16 dự án giao thông trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng.

Trải qua gần 1 năm sau sự kiện công bố quy hoạch vùng ĐBSCL vào tháng 6/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư (Bộ KH-ĐT) đã phối hợp với 6 ngân hàng đối tác phát triển quốc tế triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng ĐBSCL, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, ngày 1/4, Bộ KH-ĐT đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH (Gọi tắt là Mekong DPO). Hiện nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các bộ ngành liên quan đã đề xuất 16 dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, có 2 dự án thuộc Bộ NN-PTNT, 14 dự án thuộc các địa phương. Tổng nguồn vốn vay nước ngoài lên đến 2,8 tỷ USD (tương đương khoảng 66.282 tỷ đồng) và vốn đối ứng trên 28 nghìn tỷ đồng.

Bộ KH-ĐT họp với Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Bộ KH-ĐT họp với Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Để thực hiện đồng loạt các dự án này, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại, 10% đối với dự án của địa phương. Bên cạnh đó, ủy quyền cho các tỉnh, thành là cơ quan chủ quản các dự án quốc lộ, cao tốc; quản lý các dự án xây dựng cầu kết nối giữa 2 địa phương thuộc các tỉnh lộ là dự án liên vùng và cấp phát 100% vốn vay ODA.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thời gian qua, 6 ngân hàng phát triển quốc tế đã tổ chức 10 chuyến công tác, khảo sát trên địa bàn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để hình thành 16 đề xuất dự án giao thông trọng điểm. Ông Phương cho rằng, các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL đã góp phần hiện thực hóa quy hoạch vùng, trong đó, mục tiêu liên kết vùng, thích ứng với BĐKH là quan trọng. Đồng thời, các dự án giao thông trọng điểm này sẽ góp phần tạo động lực phát triển cho các địa phương. Nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, ông Phương đề nghị các bên liên quan nỗ lực để các dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương, các bên liên quan nỗ lực để 16 đề xuất dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đề nghị các địa phương, các bên liên quan nỗ lực để 16 đề xuất dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Kim Anh.

“Đây là lần đầu tiên nước ta áp dụng cơ chế mới là phối hợp ngay từ đầu giữa các đối tác phát triển với các địa phương, các bộ ngành có liên quan trong khâu xây dựng dự án để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Ông James Deane, Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, hiện nay  Australia có khoảng ngân sách khoảng 232 triệu đô la Úc dành cho mối liên hệ hợp tác giữa quốc gia này và các nước tiểu vùng sông Mekong, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến thích ứng với BĐKH. Riêng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 – 2027, Chính phủ Australia sẽ dành nguồn hỗ trợ khoảng 15 triệu đô la Úc để nước ta thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Ông James Deane, Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2027, Chính phủ Australia sẽ dành nguồn hỗ trợ khoảng 15 triệu đô la Úc để Việt Nam thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Ông James Deane, Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2023 – 2027, Chính phủ Australia sẽ dành nguồn hỗ trợ khoảng 15 triệu đô la Úc để Việt Nam thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có những chia sẻ về vướng mắc, khó khăn, thách thức trong quá trình chuẩn bị đề xuất dự án và mong muốn được tháo gỡ. Nhìn tổng thể, Bộ KH-ĐT đánh giá, các dự án có sự trùng lặp, một số dự án chưa cấp thiết, thiếu sự kết nối giao thông ngang trong nội địa. Bên cạnh đó, với một số dự án nâng cấp đê, kè, kênh thủy lợi, hồ chứa nước ngọt, Bộ KH-ĐT yêu cầu cần bổ sung thuyết minh tính kết nối, phối hợp tổng thể toàn vùng, đặc biệt là các công trình giữa Trung ương và địa phương.

Một số địa phương cũng đề xuất thay đổi, bổ sung hạng mục dự án. Điển hình, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung đề xuất Dự án “Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp”. Trong đó, đề xuất xây dựng cầu Sa Đéc vượt sông Tiền nối tỉnh Kiên Giang.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề xuất Dự án “Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH tỉnh Hậu Giang – đường Nguyễn Chí Thanh” dự kiến vay vốn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiều dài 4,4km bao gồm 11 vị trí cầu (gồm cả cầu Xà No), dự kiến tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng.

Đối với TP. Cần Thơ, UBND thành phố đề nghị tách Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH TP Cần Thơ thành 2 dự án độc lập. Cụ thể, dự án 1 là nâng cấp, mở rộng QL 61C và dự án 2 là đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

Bản đồ các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH được đề xuất tính đến tháng 3/2023. Ảnh: Bộ KH-ĐT.

Bản đồ các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH được đề xuất tính đến tháng 3/2023. Ảnh: Bộ KH-ĐT.

Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT yêu cầu các địa phương cần xác định danh mục các dự án ưu tiên của vùng ĐBSCL trên cơ sở quy hoạch vùng, quy hoạch tích hợp địa phương nhằm bảo đảm tính kết nối. Hiện nay, Bộ KH-ĐT đã báo cáo, dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề xuất xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Tháng 3/2022, Bộ KH-ĐT đã phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL, các bộ ngành liên quan, đã trao đổi, làm việc với 6 đối tác phát triển quốc tế và đi đến thỏa thuận. Đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) sẽ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Bạc Liêu xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các dự án. Đối với Vĩnh Long sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Đại diện Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hỗ trợ các dự án trên địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Tỉnh Kiên Giang sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng tái thiết Đức (KFW). Đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Long An, Bến Tre, An Giang và Cà Mau sẽ do Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) hỗ trợ. Và Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ các dự án của Bộ GTVT và Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Những mốc son của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An

Giai đoạn 2016 - 2024, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An đạt được nhiều thành tích vang dội, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.