Chiều 16/1, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tham dự và có bài chia sẻ với các nhà khoa học ngành nông nghiệp về phương hướng hoạt động trong thời gian tới sau khi Nghị quyết 57 ra đời.
Hành trang càng nhẹ đi càng nhanh, hiệu quả càng cao
Sau khi lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của các nhà khoa học, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua, đội ngũ các nhà khoa học đã có những sản phẩm vừa đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống, nhận được tình cảm tin yêu của bà con nông dân khắp mọi miền đất nước.
Điểm lại một số thành tựu, Bộ trưởng nêu: "Trong lĩnh vực giống cây trồng, các nhà khoa học đã tạo ra những giống mới, không chỉ cho năng suất cao mà còn có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh". Bộ trưởng ví von cây lúa Việt Nam đã đi học, trưởng thành và thành đạt, và có thể nói bây giờ cây lúa Việt Nam vinh quy bái tổ.
Hay trong thủy sản, công nghệ nuôi trồng hiện đại giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Về chăn nuôi, thú y, các viện nghiên cứu đã phát triển nhiều công nghệ sinh học trong việc cải tiến giống vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Với lâm nghiệp, các nhà khoa học đã nghiên cứu và triển khai thành công các phương pháp canh tác rừng bền vững, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo sinh kế cho bà con.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng nêu vấn đề: Làm thế nào để khoa học nông nghiệp tiếp tục tạo nên những bước đột phá? Làm thế nào để đưa Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô trở thành một trung tâm sản xuất nông sản giá trị cao và bền vững?
Dẫn lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ", Bộ trưởng cho rằng, trên hành trình vào kỷ nguyên mới, cần giảm gánh nặng đeo bên mình khi cơ chế, chính sách được hiệu chỉnh, nhân lực được tinh gọn. "Hành trang càng nhẹ, tốc độ di chuyển càng nhanh, hiệu quả càng cao", ông nói.
Song song đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc tận dụng tối đa thành tựu công nghệ của nhân loại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn hay internet vạn vật vào hoạt động nghiên cứu: "Kỷ nguyên vươn mình cũng là kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo AI, là cơ hội để thay đổi tư duy khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học. Chúng ta sẽ thông minh hơn với sự trợ giúp đắc lực của trí tuệ nhân tạo".
Để khoa học gặp gỡ cuộc sống
Trong công tác nghiên cứu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến tư duy hợp tác, làm việc nhóm, xu thế của thế kỷ 21. Theo ông, khoa học không phải là cuộc đua cá nhân mà là hành trình của tập thể. Ý tưởng có thể của một người nhưng hoàn thiện và ra sản phẩm cuối cùng cần đến sự chung sức của nhiều người.
"Khi chúng ta cùng nhau chia sẻ dữ liệu, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên ngành, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều so với khi làm việc đơn lẻ", ông nói và khẳng định thêm, phạm vi đề tài nghiên cứu càng rộng, vòng tròn tương tác, kết nối những người tham gia càng lớn.
Ngoài ra, ông cho rằng, cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Khi hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Và người lại, hiểu biết càng ít, cái tôi càng to. Do đó, khi biết cách vượt qua cái tôi, thì tri thức của mỗi người sẽ bổ sung cho nhau, giúp sản phẩm tập thể hoàn thiện hơn, thành công hơn.
Nói về động lực để nghiên cứu, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, tri thức đều bắt đầu từ các câu hỏi. Và với ngành nông nghiệp, câu hỏi đau đáu đặt ra cho đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp luôn gắn bó mật thiết với thửa ruộng, bờ ao, luôn phát xuất từ nhu cầu cấp thiết của bà con nông dân.
Từ đó, Bộ trưởng chia sẻ thông điệp "Khoa học gặp gỡ cuộc sống" với các đại biểu. Nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà phải biến thành những giải pháp cụ thể, những sản phẩm hữu ích để phục vụ nông dân, ngư dân và cả cộng đồng.
"Một công nghệ dù phức tạp đến đâu cũng chỉ có giá trị khi nó được ứng dụng vào thực tế, khi nó giúp người dân trồng được cây, nuôi được con và nâng cao đời sống của họ", Bộ trưởng khẳng định.
Do đó, cần cách tiếp cận mới hơn, mở hơn về nguồn lực tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp.
"Chúng ta có thể nghĩ đến mạng lưới kết nối cộng tác viên là các giảng viên, sinh viên các trường đại học khắp cả nước, các cán bộ, công chức ngành nông nghiệp, du học sinh đang học tập tại nước ngoài", Bộ trưởng gợi mở.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng thúc giục đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp cần tích cực “ra ruộng, về làng” hơn nữa, về với bà con nông dân để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của khoa học – công nghệ khắp làng quê, nông thôn.
Khi đó, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu được đào tạo, trui rèn bài bản có thể giúp những “nhà khoa học chân đất” chuẩn hóa, hiệu chỉnh, hoàn thiện từng lời giải cho thực tiễn canh tác, sản xuất, thương mại trong nông nghiệp.
Kết lại, Bộ trưởng nói, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng là lúc thế giới đang sống, làm việc trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo. Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để đổi thay từng ngày, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn.
Do đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ góp phần giúp bà con nông dân thịnh vượng hơn, hạnh phúc hơn.
Đánh giá về tình trạng "chảy máu chất xám" ở nhiều cơ quan nghiên cứu hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói ngoài những người ra đi, những người ở lại liệu đã phát huy hết trí tuệ, kiến thức, chất xám hay chưa? Hay lửa nhiệt huyết cứ thế sụt giảm từng ngày vì hoàn cảnh, vì điều kiện?
Bộ trưởng cho rằng, sẽ không bao giờ có điều kiện lý tưởng, tối ưu như mong muốn, nhưng luôn có thể chủ động lựa chọn cách thức tiếp cận, thái độ sống, cư xử, làm việc...
"Trong lúc chưa thể thay đổi điều kiện, hoàn cảnh, chúng ta luôn có thể thay đổi, trước nhất từ chính bản thân mình. Đừng bắt tay vào công việc, hay chấp bút đề tài nghiên cứu như một thói quen lặp lại. Tại sao không tìm niềm vui trong nghiên cứu khoa học và biết cách biến hoạt động hàn lâm này thành niềm vui", người đứng đầu ngành nông nghiệp gợi ý cho các nhà khoa học.