| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư: Bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá

Thứ Năm 16/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế cho mô hình ‘đầu tư công - quản trị tư’, bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong ứng dụng công nghệ.

Tại Hội nghị toàn quốc về Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị và nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng lược đăng phát biểu của Tổng Bí thư, tập trung vào những nhiệm vụ đột phá.

Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.

Tuy nhiên, phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. 

Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhưng hiện nay nên tập trung trên các lĩnh vực: Vật lý và năng lượng; công nghệ thông tin và truyền thông; y học và sinh học (DNA, Gen, Vaccine, 3D..); công nghệ không gian; công nghệ vật liệu, năng lượng và môi trường (năng lượng tái tạo, Pin Lithium-Ion, thu giữ và lưu trữ carbon..); phân tích văn hóa số; giáo dục và đào tạo trực tuyến… Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ Đại hội IV, khoa học và công nghệ đã được xác định là cuộc cách mạng, và đến nay là quốc sách hàng đầu. Nhiều nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước như ngày nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện.

Các nhà khoa học mất  khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục; các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm đề tài là hình thức “làm kinh tế biến tướng”...

Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Nghị quyết 57 không thay thế các nghị quyết trước đây, nhưng có thể xem là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong thời kỳ mới.

Trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản; giải phóng tối đa sức sáng tạo. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý Sử dụng tài sản công và Luật Viên chức. 

Bộ Chính trị đã định hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và tinh thần này sẽ được thể chế hóa trong Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dự kiến được Quốc hội thông qua sớm. 

Xem xét bỏ bớt các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với yêu cầu mới của Nghị quyết 57. Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, trường để mời chuyên gia làm lãnh đạo. Nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng. 

Nhà nước tạo thuận lợi thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, hỗ trợ về thủ tục, khuyến khích bằng thuế và tín dụng, được mời các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, được tạo mọi điều kiện để hoạt động thuận lợi.

Công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Công nghệ chỉnh sửa gen là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá. Bố trí ngân sách cho khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư. Nghiên cứu cơ chế cho mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Năm đầu thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.

Cần tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải. Ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển, bao gồm giải pháp công nghệ cho những vấn đề của thực tiễn đất nước như sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0.

Cuối cùng, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến, nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Tích cực tham gia xây dựng các chuẩn mực quốc tế, trước mắt là trong khu vực ASEAN, thông qua các sáng kiến như Công ước Hà Nội. Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.