Động lực mới
Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị mang đến cho các nhà khoa học động lực mới, có thể nói như "trời hạn gặp mưa". Cá nhân tôi và các nhà khoa học nói chung thực sự vui mừng khi Nghị quyết 57 ra đời, bởi xưa nay lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) của chúng ta đang bị "tắc nghẽn" ở nhiều khúc, chưa thể khơi thông được.
Từ Nghị quyết 57–NQ/TW ra đời, chúng tôi chờ đợi và kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành các chính sách mới một cách đồng bộ, đặc biệt là cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo hướng đơn giản hóa tối thiểu các thủ tục hành chính vì hiện nay các nhà khoa học đang phải mất rất nhiều thời gian cho các thủ tục này.
Tôi kiến nghị cần có sự đột phá về vấn đề giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí cũng như giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức KHCN công lập vì các đơn vị đã đi vào tự chủ từ nhiều năm nay. Cần có cơ chế và chính sách đột phá về tiền lương để đời sống của các nhà khoa học ngày một tốt lên, từ đó có thể giữ chân được nhân tài, tránh tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay.
Các nhà khoa học chúng tôi cũng kỳ vọng với sự đầu từ đủ lớn của nhà nước cho KHCN thì cơ sở vật chất và trang thiết bị cũng sẽ được cải thiện và nâng cấp theo hướng hiện đại để có thể tiếp cận công nghệ mới như AI, chuyển đổi số..., thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới để có những sản KHCN có giá trị cho đất nước.
Cần có chính sách và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết, liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức KHCN trong vấn đề nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, vấn đề liên kết này hiện nay vẫn còn rất yếu.
(GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).
Tạo khí thế mới
Có thể nói, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã tạo khí thế mới cho lực lượng hoạt động KHCN, trong đó có Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị của các cấp lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), tôi tin Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống từ năm 2025 này, giúp thúc đẩy KHCN nông nghiệp của nước ta nhanh chóng phát triển.
Viện là đơn vị nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về cây trồng, phục vụ phát triển nông nghiệp vùng bán khô hạn, vùng có điều kiện trồng trọt rất khác biệt so với các vùng khác. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo và các đối tác, Viện đã tạo ra các sản phẩm KHCN gắn liền với yêu cầu phục vụ thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Bên cạnh nghiên cứu và chuyển giao các sản phẩm truyền thống như các giống lúa và ngô lai, Viện đã nghiên cứu, chọn tạo giống và xây dựng quy trình kỹ thuật công nghệ, tiến bộ phù hợp với điều kiện khô nóng, gió lớn và hạn hán thường xảy ra.
Theo đó, nhiều kết quả nghiên cứu về giống, quy trình thâm canh, quy trình ứng dụng công nghệ cao, quy trình quản lý dịch hại, canh tác hữu cơ các cây trồng đặc thù, có tiềm năng và thế mạnh, tạo ra giá trị sản xuất cao như cây nho, táo, nha đam, măng tây, hành, tỏi... đã được chuyển giao cho sản xuất. Từ đó giúp biến thách thức của điều kiện khí hậu khắc nghiệt thành lợi thế khác biệt và khả năng cạnh tranh.
Sắp tới, triển khai Nghị quyết 57, tôi rất tin tưởng rằng Viện sẽ có đủ nguồn lực, điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn để thực hiện nhiệm vụ và tạo ra các kết quả, sản phẩm mới, tiến bộ hơn để phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp của vùng. Trong đó, ngay từ đầu năm 2025, Viện sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy, tập trung nguồn lực, xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để tập trung cho các nhiệm vụ then chốt, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao KHCN.
Tôi tin rằng, Viện sẽ tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt hơn, đảm bảo thời gian tới sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao trên các lĩnh vực KHCN mới.
Bên cạnh đó, tôi cũng tin rằng chi phí, thời gian và nhân lực cho các thủ tục mang tính hành chính trong hoạt động KHCN sẽ nhanh chóng giảm đi nhờ hiệu quả của chuyển đổi số và áp dụng hệ thống quản trị thông minh của nhà nước. Từ đó giúp lực lượng cán bộ KHCN có nhiều thời gian cho lao động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Về phía Viện, chúng tôi sẽ tập trung phát triển nguồn lực cho nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới, nghiên cứu chọn tạo giống mới, ứng dụng cơ giới hoá và tự động hoá trong quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển các sản phẩm chiến lược, theo đuổi đến cùng để hoàn thiện quy trình công nghệ và đưa vào áp dụng sản xuất, kinh doanh, thương mại. Song song với nghiên cứu là công tác bảo hộ, thiết lập quyền sở hữu.
(TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố).
Bước đi đột phá
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực và thực phẩm. Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là bước đi đột phá. Định hướng này hoàn toàn phù hợp với chiến lược của EU nhằm tích hợp các tiến bộ khoa học để cải thiện hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu của chúng tôi là đóng góp vào việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững và phù hợp với các mục tiêu phát triển toàn cầu. Chiến lược của Việt Nam được cụ thể hóa qua Nghị quyết 57 đã đặt nền móng quan trọng cho việc thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới và các lĩnh vực liên quan trong nông nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc ưu tiên phân bổ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động khoa học và đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, việc sắp xếp bộ máy quản lý, đặc biệt là việc sáp nhập Bộ NN-PTNT với Bộ Tài nguyên và Môi trường là bước đi quan trọng trong năm nay. Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại là vô cùng thích hợp để triển khai các chiến lước đột phá này.
Liên minh châu Âu cũng đang triển khai chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” kết nối EU với các quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang hợp tác thực hiện một số dự án với các đối tác địa phương. Chúng tôi có thêm kinh nghiệm khi theo dõi cách làm việc của các chuyên gia Việt Nam, từ việc lên kế hoạch, triển khai đến vai trò tham vấn chính sách. Chúng ta cũng cần nhìn vào khía cạnh kinh doanh và xem khu vực tư nhân có thể hưởng lợi như thế nào từ các sáng kiến này.
(Ông Gonzalo Serrano - Tham tán thứ nhất, Phó Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam).
Nhiều cơ hội lẫn thách thức
Dưới góc nhìn của một nhà khoa học trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại khu vực miền Trung, tôi cho rằng Nghị quyết 57 sẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức.
Cơ hội đầu tiên là sẽ mở ra nhiều không gian nghiên cứu hơn cho các nhà khoa học. Đồng thời giúp các nhà khoa học mạnh dạn hơn trong việc khám phá ý tưởng mới, hướng đi mới, cũng như chủ động, sáng tạo hơn trong nghiên cứu.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt ứng dụng AI, chuyển đổi số để cải thiện năng suất và chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng như giúp các nhà khoa học tham gia vào xây dựng các chính sách để sát với thực tế hơn.
Tôi cũng cho rằng đây là cơ hội cho các nhà khoa học có nhiều cảm hứng “truyền lửa” cho các thế hệ sau về khát vọng sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, thách thức cũng rất nhiều khi hạ tầng nghiên cứu khoa học của chúng ta còn hạn chế. Việc nghiên cứu phải đòi hỏi các nhà khoa học luôn cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và hướng các nghiên cứu đi vào giải quyết các vấn đề thực tế hơn. Trong khi hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
(PGS.TS Võ Văn Nha - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III).