Nông nghiệp chịu rủi ro kép
Bộ trưởng chia sẻ, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp liên tục gặp những thách thức, liên tục có những nguy cơ. Bởi, đây là loại hình sản xuất ngoài trời, chịu tác động mạnh mẽ bởi thiên tai.
Trong nhiệm kỳ kế hoạch vừa qua (2016 - 2020) chúng ta đã thấy rõ điều đó. Cụ thể, từ cuối năm 2015, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt. Tại ĐBSCL, chưa năm nào mặn vào sâu đất liền như vậy. Hạn tới mức 405.000ha lúa bị ảnh hưởng, sản lượng lương thực giảm 1 triệu tấn, 1 triệu hộ dân bị thiếu nước.
“Tôi còn nhớ khi bàn giao nhiệm kỳ của Chính phủ mới, Quốc hội họp phê chuẩn đúng ngày 26/7/2016. Lúc đó trùng với cơn bão số 2, mưa đêm hôm đó và những ngày hôm sau rất khủng khiếp. Thiệt hại do hoàn lưu bão số 2, hơn 200.000 ha lúa mùa của Đồng bằng sông Cửu Long ngập sâu, nguy cơ mất mùa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Và 2016 cũng là lần đầu tiên trong rất nhiều năm, GDP của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm (-0.18%), do đó nền nông nghiệp mở màn cho cả giai đoạn rất khó khăn. Nhưng nhờ sự nỗi lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân thì ngay năm 2016 chúng ta đã “đổi dấu” trong chỉ số tăng trưởng GDP từ âm (-) sang dương (+).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2020 cũng là năm lần đầu tiên có một thảm họa đại dịch tác động sâu rộng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của toàn bộ nhân loại. Chưa có đại dịch nào gây tác hại tổn thương khủng khiếp như vậy.
Trong bức tranh đó, ngành Nông nghiệp chịu tác động “rủi ro kép”, chưa năm nào giao thừa mưa 140mm tại thủ đô; mùng 1 Tết mưa đá 7 tỉnh miền núi phía Bắc, 12.000 ngôi nhà bị thủng mái... Chưa bao giờ hạn hán, thiếu nước xảy ra ở cả Bắc - Trung - Nam trong vụ đông xuân. Từ đầu năm đến nay, 173 trận giông, lốc, mưa đá trên cả nước, cho thấy tính bất thuận ghê gớm.
Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng GDP
Ông nhấn mạnh: “Hạn, mặn tại ĐBSCL năm nay vượt mốc lịch sử so với năm 2016. Còn về dịch họa, chưa bao giờ có nhiều loại dịch nguy hiểm như những năm qua. Dịch tả lợn Châu Phi khủng khiếp. Lịch sử ngành hàng thịt lợn trên thế giới chưa bao giờ ghi nhận thiệt hại lớn như vậy”.
Cụ thể, con lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thực phẩm, tác động rất lớn vào tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng. Sâu keo mùa thu đã biểu hiện ở 42 tỉnh, thành trong cả nước, nếu không khống chế tốt thì hậu quả khó lường. Kèm với đó là nạn châu chấu sa mạc có thể kéo đến trong thời gian tới.
Do đó, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Trong bối cảnh đó, toàn ngành phải đối phó kép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề mà Chính phủ giao (tăng trưởng GDP từ 2,8 đến 3,2%).
Đặc biệt, bằng mọi giá phải hoàn thành hai mặt trận, đó là sản xuất lương thực và thực phẩm, qua đó đảm bảo khoảng 43,5 triệu tấn lúa gạo, đủ lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam và xuất khẩu từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn. Đảm bảo nhu cầu sử dụng thịt, trứng, sữa, rau... cho nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 42 tỷ USD.
“Chúng ta phải nhìn lại cục diện bất thuận, thách thức trong 6 tháng qua và các tháng tiếp theo, từ đó đề ra các chính sách, kế hoạch điều hành và hành động đồng bộ tất cả các khu vực, từ hành chính, sự nghiệp cho đến các doanh nghiệp. Phương châm là với thách thức kép thì phải quyết tâm và cố gắng thực hiện 2-3 lần”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khi đứng trước khó khăn, thách thức lớn, chúng ta phải tập trung trí tuệ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ, không bàn lùi, không thay đổi mục tiêu kế hoạch năm 2020 mà Chính phủ giao.