Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp phòng, chống bão số 2 vào sáng 3/7. Ảnh: Minh Phúc |
Trọng tâm bão đi vào Hải Phòng
Hướng đi của bão khá tập trung theo hướng Tây Bắc, và khi vào vịnh Bắc Bộ, cường độ bão có thể mạnh lên (cấp 8), vùng Đông Bắc có mây và mưa nhiều hơn.
Theo Dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày hôm nay, lượng mưa tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Đến ngày mai, mưa tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đêm ngày 4/7, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa ở khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Minh Phúc |
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết: Dự báo lượng mưa dự báo ở miền núi khoảng 100 - 250mm, có nơi trên 300mm, còn khu vực Bắc Bộ lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm.
Vùng nguy hiểm ở phía bắc vĩ tuyến 18o và phía Tây kinh tuyến 111,5o kinh Đông.
Miền núi phía Bắc và khu vực vừa xảy ra cháy rừng ở miền Trung tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở.
Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết: Trong những ngày qua, chúng tôi đã phát 3 văn bản yêu cầu các địa phương thông tin, kiểm đếm, hướng dẫn hơn 56.000 phương tiện tàu thuyền với 229.331 người về nơi tránh trú bão an toàn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, người đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn trướng 17h ngày hôm nay.
BCĐ Trung ương Phòng chống thiên tai họp bàn phương án phòng, chống bão số 2. Ảnh: Minh Phúc |
Đại tá Đình cũng cho biết, theo báo cáo của Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, trên đảo Cô Tô hiện có 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách du lịch nước ngoài.
Không được chủ quan
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: Sức gió của bão số 2 được đánh giá là nhẹ, nhưng các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
"Đối với khách du lịch trên đảo Cô Tô, phải quán triệt kết sức kỹ và đảm bảo an toàn tuyệt đối", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Các địa phương không được chủ quan. Ảnh: Minh Phúc |
Còn ở trên bờ, hiện nay các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hải Phòng và Ninh Bình ở có hàng loạt công trình lớn thi công, phải có kế hoạch đảm bảo an toàn, không để cần cẩu, phương tiện máy móc gây ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của nhân dân.
Riêng với tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm đã có 8,6 triệu khách du lịch đến tham quan. Không để biển quảng cáo, các đồ vật trang trí rơi vào khách du lịch. Còn với các đô thị có nguy cơ xảy ra ngập cục bộ, cần triển khai các phương án tiêu, thoát nước để không xáo trộn sinh hoạt của cư dân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với tuyến đê quai ở Thái Bình dài hơn 100m xảy ra sự cố sạt trượt vào năm ngoái, địa phương cần theo dõi chặt chẽ, có biện pháp ứng phó kịp thời nếu xảy ra sự cố bất thường. "Các hồ chứa đang trong vùng sửa chữa phải được giám sát 24/24, nhất là các hồ xuống cấp nghiêm trọng. Bài học ở Lào chúng ta đã biết, chỉ một hồ chứa dung tích chưa đến 5 triệu m3 xảy ra sự cố nhưng đã gây thiệt hại rất lớn", theo Trưởng BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai. Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lúa mùa ở Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đang trong giai đoạn đẻ nhánh, khoảng 8.000 ha lúa của Hà Tĩnh và 15.000 ha của Nghệ An gần như năm nào cũng bị ngập úng, phải tập trung ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đến vùng sạt trượt ở miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung bộ vừa qua xảy ra nắng khánh kiệt, rừng cháy trụi thảm thực bì. Đặc biệt là Quảng Ninh, hệ thống bãi sỉ tiềm ẩn xảy ra sự cố sạt trượt nguy hiểm, cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn. |